(Tổ Quốc) - Một ngày sau khi lũ lớn tràn về, nhiều địa phương trên địa bàn Thừa Thiên – Huế vẫn còn ngập trong nước. Nước trên các sông đang xuống chậm, mưa vẫn còn khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
- 05.11.2017 Huế: Mưa lớn đường ngập, khách Tây cùng người dân bì bõm lội nước
- 05.11.2017 Mưa quá lớn, CSGT Thừa Thiên - Huế ra QL1A phân luồng
- 05.11.2017 Bất chấp nguy hiểm, người dân lao vào dòng lũ “cứu cá” trên sông Bồ
- 06.11.2017 Dân nuôi cá lồng trên sông Bồ điêu đứng vì lũ lớn
- 06.11.2017 Đại Nội Huế mở cửa đón khách trở lại sau lũ
Nhiều địa phương ở Huế còn bị ngập
Chiều 6/11, theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc nhiều địa phương tại Thừa Thiên – Huế vẫn còn ngập sâu trong nước. Tại TP. Huế nhiều tuyến đường vẫn còn ngập nặng khiến giao thông đi lại khá khó khăn. Để đi lại, người dân phải thường xuyên sử dụng đến ghe, thuyền.
Báo cáo nhanh từ BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hiện nay mực nước trên các sông đang xuống chậm và dạo động ở mức cao trên mức báo động 2. Cụ thể, mực nước trong chiều và đêm 6/11 lũ trên sông Hương tại Kim Long xuống mức 2,3m; trên mức báo động 2 là 0,3m; Sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 3,5m; trên mức báo động 2 là 0,5m; Sông Ô Lâu tại Phong Bình xuống mức 2,3m; Sông Truồi tại Cầu Truồi xuống mức 2,1m. Nước còn ngập sâu và chậm rút đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân. Tại một số vùng trũng bị ngập lụt người dân vẫn chưa thể quay trở về nhà.
Nhiều địa phương tại vùng "rốn lũ" Quảng Điền vẫn còn chìm trong biển nước. |
Tại huyện Quảng Điền địa phương được xem là vùng “rốn lũ” của tỉnh Thừa Thiên – Huế vào thời điểm này, vẫn còn rất nhiều hộ dân đang bị cô lập, nằm mong manh giữa biển nước. Ông Hoàng Đăng Khoa – Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thông tin, hiện nước lũ tại địa phương đang rút nhưng rút rất chậm và còn ở mức cao. Nặng nhất trong địa bàn huyện là xã Quảng Phước vẫn còn nhiều khu vực ngập sâu từ 1 đến 2 mét, để đi lại người dân buộc phải sử dụng phương tiện duy nhất là thuyền.
Ông Nguyễn Văn Sáu – một hộ dân có nhà bị ngập ở xã Quảng Phước cho biết lũ năm nay lên rất nhanh và đây là đợt lũ thứ hai chỉ sau lũ lịch sử năm 1999. Hiện nước đang dần rút nhưng nhà của ông Sáu vẫn còn ngập ngang đến cửa sổ.
“Ngập lụt khiến cuộc sống của chúng tôi cũng bị xáo trộn nhiều. Người dân chúng tôi bây giờ chỉ mong sao cho nước lũ rút nhanh để dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống”, ông Sáu chia sẻ.
Xã Quảng Phước vẫn còn nhiều khu vực ngập sâu từ 1 đến 2 mét, để đi lại người dân buộc phải sử dụng phương tiện duy nhất là thuyền. |
Kiếm tiền triệu trong mưa lũ
Mưa lũ khiến cuộc sống của nhiều người dân bị đảo lộn, tuy nhiên đây cũng là dịp cho nhiều người tranh thủ “mưu sinh” bằng những công việc khác nhau để sống chung với lũ. Những ngày qua, dịch vụ chở khách bằng thuyền và cứu hộ ô tô chính là công việc “hot” giúp nhiều người thu về bộn tiền từ trận lũ năm nay.
Có mặt tại khu vực phố cổ Bao Vinh chiều 6/11, theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường này vẫn còn ngập khá nặng, nhiều đoạn không thể lội bộ. Tận dụng điều này nhiều người có ghe, thuyền “tranh thủ” làm dịch vụ chở khách trong mưa lũ để kiếm thêm thu nhập.
Dịch vụ dùng thuyền chở khách vượt lũ “đắt hàng” trong những ngày này tại TP. Huế. |
Tại đây nhiều lái ghe tất bật cả ngày với công việc đưa đón khách của mình. Không chỉ chở khách, các thuyền ghe còn nhận chở luôn cả phương tiện xe máy, xe đạp, hàng hóa... Tùy vào quảng đường di chuyển dài ngắn mà mức giá cũng được đưa ra khác nhau.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một chủ thuyền mỗi ngày họ có thể chở từ 40 đến 50 chuyến và số tiền thu về từ dịch vụ này lên đến tiền triệu. Nhiều người dù chỉ có nhu cầu đi thuyền qua đoạn đường ngập khoảng 200m nhưng phải trả 30-50.000 đồng. Vì thế mà việc các chủ thuyền có thể kiếm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày không có gì là lạ.
“Mưa gió lụt lội nhiều người cần đến thuyền để đi lại trong khi gia đình có sẵn thuyền nên tôi cũng tranh thủ chở khách để kiếm thêm thu nhập. Tuy phải dầm mưa, ướt lạnh cả ngày nhưng công việc này giải quyết được nhu cầu đi lại cho nhiều người, còn tôi cũng kiếm được thêm một khoản để trang trải cuộc sống”, chủ thuyền này cho hay.
Không chỉ chở người, các chủ thuyền còn nhận chở cả xe máy. Công việc này giúp nhiều người thu về tiền triệu mỗi ngày. |
Ngoài dịch vụ chở khách bằng thuyền, dịch vụ cứu hộ ô tô bị mắc kẹt trong lũ cũng là công việc “hot” giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập. Tại TP. Huế, do lũ lên bất ngờ khiến nhiều tài xế không kịp trở tay, nhiều ô tô bị chìm trong nước hư hỏng, chết máy,… Để đưa xe “vượt lũ”, các tài xế phải thuê đến xe cẩu để đưa về nơi khô ráo.
Do thời tiết mưa lũ, nhiều người có nhu cầu nên giá dịch vụ cứu hộ ô tô vì thế mà cũng được đẩy lên cao ngất ngưởng. Giá để cứu hộ một chiếc xe ô tô liên tục tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng/chiếc. Một chủ kinh doanh dịch vụ xe cẩu tại TP. Huế cho hay, chỉ riêng trong ngày 5/11, cơ sở này được thuê cẩu hơn 50 xe ô tô, thu về gần 100 triệu đồng.
“Ngày thường giá thuê cẩu một chiếc xe chỉ 700.000 đồng, nhưng lợi dụng lũ lụt họ đẩy giá lên lên gấp đôi, gấp ba. Mình không còn cách nào khác nên phải chấp nhận”- chị N.L (trú tại Khu chung cư ở tổ 14 phường Xuân Phú) cho biết.
Thế Trung