• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch

Văn hoá 24/07/2023 15:24

(Tổ Quốc) - Xã Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ nỗ lực bảo tồn văn hóa, phát triển dịch vụ du lịch thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững.

Năm 2022, Lễ hội đình Hùng Lô và Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Làng cổ Hùng Lô với bề dày truyền thống lịch sử và quần thể kiến trúc mang âm hưởng thời kỳ Hùng Vương. Đình Hùng Lô mang giá trị nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao đặc trưng thời kỳ Hậu Lê. Nơi đây lưu giữ tương đối đầy đủ các đồ thờ tự như đỉnh, đèn, lư hương, hạc... bằng gốm, đồng chạm khắc tinh xảo và năm cỗ kiệu sơn son thếp vàng cùng hệ thống 43 câu đối.

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch  - Ảnh 1.

Nằm tại ngôi làng cổ Hùng Lô với niên đại hơn 300 năm tuổi, đình Hùng Lô từ lâu đã đi vào tâm thức của người dân Việt Nam với những phong tụ‎c, tập quán gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Công tác bảo tồn Di sản được địa phương đặc biệt quan tâm, kiến trúc đình Hùng Lô và 50 ngôi nhà gỗ có niên đại trên 100 năm đến xấp xỉ 200 năm tuổi trong làng cổ được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn. Trong đó, có năm ngôi nhà được đưa vào chương trình du lịch phục vụ khách quốc tế.

Bên cạnh việc bảo tồn kiến trúc độc đáo, thì nơi đây còn đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ. Địa phương đầu tư đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tốt nhất để thực hiện các nghi lễ, trình diễn hát Xoan gắn với thờ cúng các Vua Hùng cũng như tổ chức truyền dạy, thực hành di sản và phục vụ du lịch.

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch  - Ảnh 2.

Phường Xoan tập luyện nghi lễ tại sân đình.

Song song với bảo tồn văn hóa, Đảng bộ và nhân dân Hùng Lô cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch. Hiện tại trong xã, một số gia đình kinh doanh du lịch homestay, cho khách tham quan kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống trong các ngôi nhà cổ của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Để sản phẩm du lịch cộng đồng Hùng Lô được lan tỏa, tỉnh và địa phương đã tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các nền tảng Facebook, Zalo, Youtube; các thông tin, hình ảnh về dịch vụ du lịch cộng đồng được quảng bá tại các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh…

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch  - Ảnh 3.

Khách đến thăm quan nhà cổ tại Hùng Lô.

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch  - Ảnh 4.

Dịch vụ homestay cho khách lưu trú.tại nhà cổ.

Bên cạnh các di sản văn hóa, xã Hùng Lô hiện có các làng nghề truyền thống lâu đời với sản phẩm đặc trưng. Trong đó nổi bật làng nghề mỳ gạo Hùng Lô không chỉ là sản xuất thương mại mà còn là điểm nhấn trong hành trình du lịch làng cổ Hùng Lô.

Sau gần 7 năm hoạt động, đến nay các sản phẩm của HTX mì gạo Hùng Lô đã phân phối trên 42 tỉnh, thành phố trong nước, và các chuỗi siêu thị, trung bình mỗi ngày HTX tiêu thụ trên 2 tấn mì gạo thành phẩm, ước tính 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng mì gạo đạt khoảng 450 tấn ước đạt hơn 10 tỉ đồng. HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân đạt 6.5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường xuất khẩu Nhật Bản được ổn định, HTX đã gửi sản phẩm sang chào hàng với đối tác ở Nga ,Mỹ, Trung Quốc... đây có thể nói là bước ngoặt lớn cho sự phát triển của HTX.

Hùng Lô bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch  - Ảnh 5.

HTX mì Hùng Lô đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, thu nhập bình quân đạt 6.5 triệu đồng/người/tháng.

Làng cổ Hùng Lô với kiến trúc, văn hóa đa dạng, mang đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước hòa vào tổng thể làng quê cùng với hoạt động làng nghề truyền thống là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng phục vụ du khách. Năm 2023, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Hùng Lô, thành phố Việt Trì” là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Chủ tịch xã Hùng Lô Nguyễn Hữu Ích cho biết "Để tăng thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ xã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng làng nghề truyền thống. Trong đó xác định đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở các lớp để nghệ nhân truyền nghề cho lao động trẻ.

Việc phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống sẽ góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn được hình thành và từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hơn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức trải nghiệm của khách du lịch".

Với sự nỗ lực của địa phương trong công tác bảo tồn văn hóa, vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc lâu đời đình Hùng Lô, sự lan tỏa của hai di sản văn hóa phi vật thể là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan đã khiến cho mảnh đất Hùng Lô có một sức lôi cuốn đặc biệt với du khách. Với hình thức kết hợp du lịch tâm linh - làng nghề dựa trên tài nguyên văn hóa, lịch sử dồi dào, làng cổ Hùng Lô đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.


Vy Liên

NỔI BẬT TRANG CHỦ