Hùng tráng “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Thực hiện: Nam Nguyễn - Huy Tuyến | 06/10/2024
(Tổ Quốc) - Sáng nay (6-10), chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Hà Nội.
Sáng nay (6/10), TP Hà Nội tổ chức chương trình "Ngày hội văn hóa vì hòa bình" chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình".
Điển nhấn của chương trình là màn thực cảnh tái hiện lịch sử “Ngày về chiến thắng” đã mang tới những cảm xúc hùng tráng, đầy thiêng liêng về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, khi Thủ đô Hà Nội chính thức được giải phóng - ngày 10-10-1954.
Đó là khoảnh khắc không thể nào quên, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tái hiện hình ảnh Thị trưởng Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng trên xe dẫn đầu Đoàn quân Giải phóng tiến vào Hà Nội ngày 10/10/1954 trong sự hân hoan, chào đón của người dân Thủ đô.
Người dân và du khách được xem biểu diễn liên khúc “Tiến về Hà Nội - Sẽ về Thủ đô”, “Ngày về chiến thắng” do đoàn quân nhạc Bộ Công an biểu diễn”, ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện.
Ngày hội là dịp quy tụ giao lưu lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô
Đây là Ngày hội lớn của Nhân dân Thủ đô, điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO.
Những hình ảnh quen thuộc như Cầu Long Biên, Chợ Đồng Xuân... nơi đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô hay Cột cờ Hà Nội, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong lễ chào cờ đầu tiên vào ngày 10/10/1954 được tái hiện rõ nét
Chương trình được chia làm ba phần chính: Ký ức Hà Nội, Dòng chảy di sản, và Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Mỗi phần đều mang một thông điệp riêng, góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, từ quá khứ hào hùng đến hiện tại đổi mới và tương lai tươi sáng.
Những hình ảnh lịch sử giúp người dân Thủ đô như được sống lại một lần nữa trong không khí hào hùng của cha ông trong ngày Thủ đô giải phóng.
Ngoài ra, chương trình còn “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn tái hiện nhiều lễ hội, tín ngưỡng thể hiện nét văn hóa đặc sắc của thành Thăng Long xưa kia. Trong đó, trong phần vinh danh di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám là phần diễu hành của các làng khoa bảng tiêu biểu của Thủ đô.
Chương trình giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, sự giàu có của văn hóa Thăng Long Hà Nội, với các màn trình diễn, diễu hành, như: Trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh.
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” một lần nữa tôn vinh giá trị của hòa bình, thể hiện niềm tự hào về danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” mà UNESCO trao tặng, khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Thủ đô Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình - Thành phố sáng tạo năng động trong hội nhập và phát triển nhưng vẫn giữ nét truyền thống Việt Nam.
Ngày hội văn hoá vì hoà bình là hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024)