(Cinet)- Việc bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương là nội dung quan trọng đang được hợp tác nghiên cứu nhằm hướng đến tái đề cử Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan văn hoá Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO.
(Cinet)- Việc bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương là nội dung quan trọng đang được hợp tác nghiên cứu nhằm hướng đến tái đề cử Quần thể Di tích Huế là Di sản Cảnh quan văn hoá Thế giới theo khuyến nghị của UNESCO.
Ảnh minh họa. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế |
Theo tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, vừa qua, Trung tâm và Viện Nghiên cứu và Quy hoạch - Đại học Waseda, Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ làm việc nhằm bàn thảo những nội dung hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về bảo vệ cảnh quan văn hóa và hệ sinh thái lịch sử tại các lăng tẩm hoàng gia Triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương. Từ đó đưa ra khuyến nghị và hướng dẫn thực hiện đảm bảo việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, các giá trị vật chất và tinh thần to lớn như các công trình di tích, các kỹ thuật tinh vi, hệ thống thủy đạo, sản phẩm nông nghiệp và những giá trị tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá truyền thống, lễ hội dân gian gắn kết hài hoà giữa yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá giàu tính nhân văn…
Trước đó, vào tháng 3/2018, tại TP.Huế cũng đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái - lịch sử tại các lăng tẩm Hoàng gia triều Nguyễn và khu vực thượng nguồn sông Hương”. Hội thảo đã đánh giá kết quả chương trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 2014-2018 với khu vực chủ yếu là 4 cụm lăng tẩm hoàng gia đầu triều Nguyễn (lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức), trong đó đặc biệt tập trung vào khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận cùng khu vực thượng nguồn sông Hương.
Trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng nghiên cứu thử nghiệm xây dựng Kế hoạch quản lý bảo vệ cảnh quan văn hóa lăng Gia Long, có thể được xem là mô hình mẫu về "Bảo tàng sống" hướng đến bảo tồn một cách linh hoạt và thích nghi với giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần tại khu vực lăng Gia Long và vùng phụ cận theo hướng bảo tồn thích nghi mới của UNESCO.
Thanh Thủy (t/h)