• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hướng đi cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài

Kinh tế 09/04/2020 14:10

(Tổ Quốc) - Tập trung thúc đẩy đầu tư công với tinh thần quyết liệt của công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn là hướng đi quan trọng của Hà Nội để duy trì và phát triển kinh tế Thành phố.

Ngày mai, 10/4, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tập trung bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gõ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng âm từ đầu năm tới nay.

Đây có thể coi là các mục tiêu quan trọng để duy trì, phát triển tăng trưởng kinh tế, không kém gì mục tiêu kiềm chế, xử lý dịch COVID-19 đang hoành hành ở Việt Nam trong bối cảnh doan nghiệp khó khăn, dừng hoạt động, "cầu" trong nước và xuất nhập khẩu bị sụt giảm, đình trệ. Nếu kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng thì người lao động có việc làm, nhà nước có thêm nguồn thu để bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh và tác động rất tích cực tới việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hướng đi cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và công tác sản xuất của Tổng Công ty May 10.

Triển khai Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị số 11, 15 và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng, phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố Hà Nội đã sớm quan tâm xây dựng các giải pháp duy trì sản xuất kinh doanh song song với nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là ngăn ngừa, phòng chống dịch.

Vào ngày 24/3, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ đã làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Thành phố về thích ứng trong bối cảnh dịch giã đang ảnh hưởng tại Thủ đô. Nhiệm vụ được đặt ra cho 109 doanh nghiệp thành viên của Đảng bộ là bảo đảm sản xuất an toàn cho người lao động và tăng cường đổi mới, sáng tạo, cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm các sản phẩm mới để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ sự chỉ đạo của Chính phủ, cấp uỷ, chính quyền Thành phố Hà Nội và sự năng động, sáng tạo của đơn vị, Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) là một đảng bộ trực thuộc Đảng bộ khối doanh nghiệp Thành phố đã "dấn thân" sản xuất sản phẩm "bất đắc dĩ" là khẩu trang y tế. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành uỷ và UBND Thành phố hôm 7/4 mới đây tại trụ sở công ty, Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho biết công ty đã tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho công nhân, cơ cấu lại sản phẩm, mạnh dạn nhập máy móc sản xuất khẩu trang y tế, ký kết hợp đồng sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đủ để bù đắp lại giá trị thiếu hụt khi các đơn hàng may mặc bị ách tắc hoặc dừng hợp đồng trong năm 2020.

Nhưng chỉ doanh nghiệp dù là của nhà nước hay tư nhân- lực lượng sản xuất của cải vật chất của xã hội "đơn thân độc mã" gánh nhiệm vụ duy trì, phát triển kinh tế sẽ khó thành công nếu không có vai trò hỗ trợ từ chính quyền. Do vậy, trong 2 ngày liên tiếp 7 và 8/4 vừa qua, UBND Thành phố và Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã họp bàn các phương hướng, giải pháp thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho rằng nguồn lực dành cho đầu tư công của Thành phố trong năm 2020 là rất lớn, khoảng 37.000 tỷ đồng, nếu được giải ngân kịp thời, đúng tiến độ sẽ là yếu tố quan trọng số 1 trong tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo thành "vốn mồi" để "khơi dòng" đầu tư của các doanh nghiệp, duy trì và tạo ra nhiều việc làm, đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng của Thành phố.

Chính vì vậy, Thường trực Thành uỷ và Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hà Nội đã thống nhất các phương hướng, giải pháp quan trọng để nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong phối hợp công việc, thủ tục hành chính liên quan tới thẩm định, thi công, giải ngân và quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được Quốc hội, Chính phủ giao cho Hà Nội tương ứng khoảng 10% nguồn vốn dành cho cả nước (khoảng 110.000 tỷ đồng), nếu được giải ngân đúng tiến độ, hiệu quả sẽ góp phần rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhất là khoản vốn giao trong năm 2020.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng mặc dù kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay nhưng Thành phố vẫn nỗ lực bố trí đủ nguồn để cân đối ngân sách, không điều chỉnh kế hoạch giao vốn đầu tư công năm 2020, đi liền với các nỗ lực tháo gỡ ách tắc để thúc đẩy nền kinh tế thành phố (cùng với Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP của cả nước, và đứng thứ hai ở mức 18,7% tổng thu ngân sách nhà nước-PV).

Hướng đi cho kinh tế Hà Nội khi dịch bệnh kéo dài - Ảnh 2.

Cùng với các giải pháp hỗ trợ, "hà hơi thổi ngạt" về giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp thì đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, chuyển đổi hoạt động sẽ là các lực "đẩy" trực tiếp cho nền kinh tế trong năm 2020

Trong 3 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tổng sản phẩm của Thành phố (GRDP) chỉ tăng 3,72% (trung bình cả nước là 3,82%), thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 6,95%. Cùng với đó, tăng trưởng của cả nước cũng rất rất thấp, chỉ đạt 3,82% vì ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các địa phương lớn của cả nước coi trọng phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó nêu rõ vai trò của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước yêu cầu đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: "Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của Thành phố, sau nhiệm vụ số một là phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn". Đồng thời yêu cầu đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố nghiên cứu, chỉ đạo thành lập Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công của thành phố sớm tháo gỡ khó khăn để các sở, ngành, quận, huyện và nhà thầu triển khai ngay khi gỡ bỏ tình trạng cách ly xã hội.

Như vậy, cùng với các giải pháp hỗ trợ, "hà hơi thổi ngạt" về giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp thì đẩy mạnh đầu tư công hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, chuyển đổi hoạt động sẽ là các lực "đẩy" trực tiếp cho nền kinh tế trong năm 2020.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ