Hương sắc xứ Trà ở phiên chợ chè giữa lòng thành phố Thái Nguyên
Thực hiện: Nam Nguyễn | 08/02/2024
(Tổ Quốc) - Thái Nguyên vốn nức tiếng xa gần là xứ “mở mắt thấy trà”. Đặc biệt tại thủ đô gió ngàn có một phiên chợ trà Phúc Xuân là địa điểm giao thương, đúc kết những nét tinh hoa trong văn hóa trà của người dân nơi đây.
Với diện tích đạt trên 22 ngàn heta, trà là cây đặc sản chủ lực của Thái Nguyên nên tỉnh luôn chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cho cây trà, tăng thu nhập cho nhân dân.
Tuy nhiên, với những người buôn trà, sành điệu chọn trà thì Chợ trà Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), luôn là địa chỉ chất lượng nhất.
Chợ chè Phúc Xuân hình thành hơn 30 năm về trước. Ban đầu đây chỉ là nơi giao thương, buôn bán trà của người dân trong xã.
Tiếng lành đồn xa, các tiểu thương dần đổ về chợ Phúc Xuân đông hơn để mua bán trà. Nhiều du khách cũng hào hứng đến chợ để thưởng thức tinh hoa văn hóa trà.
Chợ Phúc Xuân mỗi tháng họp 9 phiên, vào khung từ 7 giờ đến 11 giờ. Đây là chợ có quy mô lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên về lượng trà giao dịch cũng như số người tham gia buôn bán.
Các loại trà ở chợ Phúc Xuân dao động từ 200 ngàn đến hàng triệu đồng trên một cân.
Nơi đây, hàng ngày có hàng trăm lượt buôn bán cũng như giao thương các loại trà từ bình dân đến thượng hạng.
Điểm đặc biệt nhất tại chợ trà Phúc Xuân, traf được pha vào chén để thử sắc của nước.
Trà được cho vào chén nhỏ, đổ nước sôi và được up một chén nữa lên để ủ.
Sau khoảng 20 giây trà sẽ được đổ qua đổ lại một chén khác để kiểm tra nước và sắc trà.
Với các tiểu thương có hàng chục năm kinh nghiệm buôn trà chỉ cần nhìn màu nước, ngửi hương là phân biệt chính xác từng loại trà - ở đâu mang đến, bón bằng phân hữu cơ hay phân hóa học, trà sao đúng độ hay quá lửa... Trà sao quá lửa thì nhiều cám, cánh không đều, nước đục, hương không dậy.
Quy trình thử tại chợ rất độc đáo gồm: hình của búp và cánh; sắc, hương, vị của nước; hình của bã được các tiểu thương soi rất kĩ lưỡng.
Một tiểu thương chia sẻ trà ngon là nước phải xanh vàng, sánh, ngọt hậu, dư vị lan tỏa; phải đạt được ngũ quý là sắc - khí - hương - vị - thần.
Anh Bình cho biết: "Trà là sản phẩm đặc trưng của Thái Nguyên. Nhờ có những khu chợ như Phúc Xuân mà nơi đây được nhiều người biết đến hơn. Chợ phiên Phúc Xuân lúc nào cũng đông đúc, nhiều khách chỉ đơn thuần là ghé thăm quan để thưởng thức trà".
Chợ Phúc Xuân bày bán nhiều loại trà thơm ngon hảo hạng của Thái Nguyên.
Nhiều tiểu thương ở các tỉnh thành lân cận như Tuyên Quang, Hà Nội, Yên Bái, Phụ Thọ cũng thường xuyên qua chợ Phúc Xuân mua trà.
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, đơn vị trực tiếp quản lý nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” đã cấp gần 1.000 chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này cho các tổ chức, cá nhân, làng nghề.
Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm trà Thái Nguyên đã tạo chuyển biến tích cực của các cấp, ngành và toàn thể xã hội trong việc giữ gìn, phát triển giá trị truyền thống, thương hiệu của cây trà; nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.