(Cinet)- Xuân đến. Đất trời xứ Huế lột bộ “xiêm y băng giá” của mùa đông để lộ sự kỳ vĩ của sắc màu hoa lá, lấp ló triệu triệu hình dạng đáng yêu của những phần “cơ thể mùa xuân” mỹ miều. Mai, đào, hồng, cúc... diện những bộ cánh dạt dào sắc mới rực rỡ khắp đô thành, tạo nên một ngày hội tuyệt vời cho đôi mắt Huế vốn dĩ trầm tư, e ấp.
Không biết có phải do ngẫu nhiên của cách dùng từ hay là dụng ý của người xưa mà Huế ngoài những cách gọi như đất kinh kì, kinh thành, chốn thần kinh hay nay gọi cố đô, cố kinh rất quen thuộc, còn có một cái tên thi vị khác là “Xuân kinh”.
Xuân kinh có lẽ là cách gọi tắt “kinh thành Phú Xuân”, nhưng cũng có thể là một mỹ từ dành cho vùng đất cố đô luôn ngập tràn ý xuân của lớp thi sĩ đương thời. Nhưng dù gì đi nữa, trong không khí rộn ràng cuối năm chờ đón một xuân mới, gọi xứ Huế là Xuân kinh nghe vẫn hợp lý, thấm tình hơn cả.
Xuân đến, muôn hoa diện những bộ cánh dạt dào sắc mới rực rỡ khắp đô thành, tạo nên một ngày hội tuyệt vời cho đôi mắt Huế vốn dĩ trầm tư, e ấp. (Ảnh: Trường Giang) |
Tết Huế xưa thường đông vui và nay cũng không kém phần rộn ràng. “Đất lề quê thói” nên mỗi nơi có một cách riêng để đón Tết và với Huế, đón Tết mang những nét đặc trưng của vùng đất kinh kỳ. Trong gần một tháng tính từ ngày đưa ông táo cho đến hết Tết Nguyên tiêu, người Huế giàu cũng như nghèo đều ngừng mọi công việc để chuẩn bị Tết và vui chơi.
Để có cái tết Huế đúng bài, sự chuẩn bị cũng lắm công phu. Ở Huế, đón tết từ trong nhà ra tận ngoài ngõ, từ bến nước sân đình đến đường phố đều tấp tập chuẩn bị năm mới. Những thứ cần chuẩn bị ở nhà và thường được ưa chuộng hơn cả là hoa giấy Thanh Tiên, ông Táo, trướng liễn làng Chuồn, con ảnh Lại Ân.
Trước tết, con trai, thanh niên mang đồ khí tự đi lau chùi, xem như là nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều nhà còn rất cẩn trọng, đồ khí tự được lau chùi xong, chưa đặt lên bàn thờ ngay mà còn xem cho được ngày tốt. Thông thường khi bát nhang đầy, thay chân hương đi người ta phải chừa lại ba cây. Đặc biệt là cát trắng trong lư hương phải được thay mới.
Những ngày cuối năm, hầu như gia đình nào cũng quây quần bên nhau, không dọn dẹp thì bày mứt bánh ra làm. Nhà thì làm mứt gừng, bánh thuẫn, bánh in, nhà gói bánh chưng bánh tét, cả xóm làng, phố phường bừng vui như hội. Ngày 30 tết, cúng tất niên xong, không khí tết đã ngập trong nhà, ngoài đường, phố xá vắng hoe chờ phút giao thừa.
Người Huế rất giữ hiếu đạo, cứ mùng một Tết là cúng đầu năm, mời ông bà tổ tiên về ăn tết và thường là cúng chay. Mồng hai mồng ba tiếp tục cúng cỗ cho tổ tiên, nhà ăn tết như thế nào ông bà ăn tết thế ấy. Sang mồng bốn (có nhà mồng ba) thì cúng đưa ông bà. Nhưng dân Huế lại ham vui, 3 ngày tết, 7 ngày xuân, lại còn loanh quanh cho đến Tết Nguyên tiêu mới xem như hết hội.
Nhiều gia đình ở Huế tết về không những được đoàn viên con cháu mà còn là cơ hội cho cả nhà tự tổ chức chơi tết. Bao trò chơi được bày ra, ví như trò chơi bài tứ sắc, bài tới, đổ xăm hường, bài kẻ, cua bầu... là những món mà từ già đến trẻ ai cũng thích. Còn ở các làng xã thì hội hè diễn ra sôi động với hội đu tiên Thế Chí Tây, đu tiên Gia Viên, hội đu tiên thị trấn Sịa, đu tiên Quảng Thọ, hội vật làng Thủ Lễ, hội vật làng Sình, hội đua ghe Lăng Cô, đua ghe Cảnh Dương, đua thuyền ở Sịa, chợ quê cầu ngói Thanh Toàn... Hội xuân vì thế đều là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Huế.
Dân gian đón tết đã rộn ràng, chốn Cung đình đón tết còn cầu kì hơn với nhiều lễ lược. Để báo hiệu kết thúc một năm cũ, từ ngày 1 tháng Chạp, triều đình đã tổ chức lễ Ban sóc (phát lịch) rồi vào tiết lập xuân thì làm lễ Tiến xuân ngưu (đưa trâu tiến xuân) có ý nhắc nhở công việc đồng áng. Sau đó, từ ngày 25 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng, cả hoàng cung “sực nức” không khí tết. Khắp nơi trong hoàng thành trang trí vô cùng rực rỡ, đầy tiếng chuông nhạc. Vào ngày mồng 1 thì làm lễ khánh hạ, lễ Nguyên đán với đầy đủ văn võ bá quan chầu triều. Những ngày lễ tết, yến nhạc diễn ra liên tục trong hoàng cung. Những ngày khác, các cuộc tế lăng miếu, du xuân của Hoàng gia được tổ chức cho đến ngày 7 tháng Giêng. Đến ngày 11, lễ tế Kỳ đạo (tế cờ) thì xem như Tết cung đình mới kết thúc.
Xuân, cả kinh thành đẹp nhất vào buổi tối với những đèn lồng đủ màu sắc sặc sỡ, duyên dáng soi bóng bên dòng Hương loang loáng tím. Màu đỏ có khắp nơi và là màu của may mắn, thịnh vượng, hoan hỉ. Trước mỗi nhà còn dựng những cây nêu bằng tre lớn. Tết đến, trẻ con xem đây là ngày hội khi nhận những lời chúc mừng và hồ hởi đón lấy những đồng tiền gói trong giấy hồng điều.
Ở Huế, trước Tết người còn nườm nượp ngoài đường mua mua bán bán, đem hết thảy rạo rực của xuân bày khắp nhà. Người ở xa về đoàn tụ, cả gia đình xum họp bên nhau, nồng nàn đón tết. Người ngoài đường thưa thớt không như mọi ngày tấp tập. Thành phố dường như bất động, ngủ yên trong phút giao thời. Xuân Huế ấm cúng, dịu dàng và nói như nhà thơ Thanh Hải, ấy là một “mùa xuân nho nhỏ”.
Năm nay đón tết, những hình bóng xa mờ của Huế với những tập tục lạ đâu còn hay kiếm những thứ truyền thống của tết Huế e rằng rất khó. Hoa giấy Thanh Tiên vẫn bán, không cạnh tranh nổi với hoa ni lông rẻ, dễ làm; con ảnh Lại Ân in thủ công không bằng con ảnh của công nghệ in tân thời... Chỉ còn cát trắng để bát hương vẫn y nguyên tấm lòng của các mệ, các chị tảo tần mong mỏi kiếm ít tiền trang trải ngày tết.
Du xuân thích nhất là qua chợ hoa Phu Văn Lâu để đón lấy một không khí tết đang tràn về. Hoa khắp nơi chen nhau, từ những nhà vườn trong thành phố, các làng hoa Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh Tiên (xã Phú Mậu), La ỷ (xã Phú Thượng), các làng hoa Hương Trà, những chậu mai Thủy Xuân, Vỹ Dạ đến những hoa trong Nam, ngoài Bắc đua nhau khoe sắc. Dường như các nàng hoa đang tham dự một cuộc thi sắc màu, để rồi tất cả tạo nên một thư viện khổng lồ trong cánh mũi, trong đôi mắt thích thú của bất kì ai ngoạn cảnh xuân.
Nắng nhuộm vàng trên đồi Thiên An. (Ảnh: Hà Tuấn) |
Nắng nhuộm vàng những đốm hoa hoàng hôn bên khoảng núi xa mờ Kim Phụng. Rồi nhường chỗ cho những vì sao chiếu sáng như bầy ong vàng thấp thỏm trên nền trời đêm thanh thoát. Gió xuân mơn man thổi bằng tiếng sáo lách qua phên liếp, chim thi nhau ca những bài ngọt ngào, tình tứ trên đồi Thiên An. Mùa xuân thì thầm rồi cất dàn đồng ca cao vút lên giữa muôn trái tim rạo rực một nhịp đập của tự do và đắm say của đất trời non nước Xuân kinh. Bản giao hưởng vĩ đại của xuân, vượt lên tất cả nỗi bi lụy, mà thời gian và phiền muộn đã in hằn lên chúng ta, trong mùa đông, trong sự đợi chờ vô vọng.
Tôi ao ước đi mãi trong làn xuân ấy, đón lấy những bóng hình quá vãng đã lạc nẻo tang bồng. Xuân dấy lên những phức phiêu diêu mờ sương nhân ảnh, trong khói lam ở mái nhà xưa chưng nồi bánh tết và cả khói lòng lặn ngụp từ vô vàn nỗi nhớ hồng hoang. Rồi chợt nhận ra rằng tôi và tất cả chúng ta đã mang một món nợ khổng lồ, khó mà dung trả được trước sự kiến tạo nguy nga của hóa công với mùa xuân. Quyền năng sáng tạo thiêng liêng ấy, đủ để thấy rằng Tạo hóa là nghệ sĩ vĩ đại vượt qua khả năng của bậc kiến trúc sư, danh họa, nhạc sĩ thiên tài hay nhà thơ tuyệt bút để sáng tạo nên thực thể sống động như mùa xuân mà mãi mãi nền nghệ thuật của nhân loại miệt mài tìm tòi, khám phá.
Xuân về trên tà áo dài xứ Huế. (Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải) |
Tạm gác lại những ý nghĩ lộn xộn về mùa xuân, tôi lặng ngắm Huế của bây chừ rêu phong trăm lớp bủa lấy thành xưa. Lăng tẩm với dung nhan cổ mộc còn chưa trang điểm ngủ mê trong luống sầu trăm tuổi đôi bờ dòng Hương. Đứng ở trên đồi Vọng Cảnh xa mờ nhìn về phố, xuân chở u hoài nặng sầu tê. Núi nhớ sông, sông nhớ núi, người nhớ cảnh, người nhớ người, mặn nhạt gieo lên đời bao lớp dân Cố đô mộng cầu du tử. Người xưa thăm nhau còn qua những chuyến đò xuân, kéo cả tiếng hò ngọt lịm dài sông nước để đón cái duyên nem nép bên sông. Cảnh xưa đau đáu, hồn treo cành mai, xuân trước đã già, cũ trên giấy thếp. Xuân nay, tôi đứng giữa trập trùng phồn hoa, với tay tới ngày mai, mà chân còn giẫm lên bóng hôm qua. Bởi tôi biết, giữa thế giới thô phù này, tôi miệt mài đi giữa vô thường để kiếm tìm chân mỹ, mà ít ra xuân còn lưu giữ. Cầu cho Tâm như xuân trong trẻo, vô ưu vô úy, vọng tưởng chết mòn trong sự thanh khiết của chân ngôn.
Mùa xuân nho nhỏ của Huế là cuộc giao hoan thi vị của nắng-mưa-sương-hoa trên nỗi ngậm ngùi hoài cổ, chỉ còn đọng lại những dư âm vương vãi trên phi lộ tuyến tính của thời gian. Vòng quay ấy sẽ cứ quay vòng, quay mãi, lấy đi những câu chuyện cũ nhạt nhòa của Huế xưa và mơ về những chuyện nay mai xán lạn của Huế trong bài thơ đô thị. Chúng ta có thể nhìn cuộc đời bằng những con mắt khác nhau, nhưng nhìn về mùa xuân cổ kính của Huế, xin hãy nghinh xuân bằng điệu Nam ai, Nam bình ký thác giữa rừng mai ảo ảnh./.
Lê Vũ Trường Giang