(Cinet)- Với mục tiêu nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.
(Cinet)- Với mục tiêu nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn nhằm thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Hình thành thói quen văn hóa đọc trong mọi tầng lớp nhân dân
Thực tế cho thấy cùng với nhịp sống sôi động, sự phát triển của khoa học - công nghệ, con người có thêm nhiều hình thức để tiếp nhận các tri thức của đời sống xã hội. Vì thế, nhiều người không còn mặn mà với việc đọc, đặc biệt là giới trẻ đã không còn muốn đọc sách theo cách truyền thống, dẫn đến văn hóa đọc ngày càng bị mai một. Có thể nói, xã hội hiện đại tuy đem đến cuộc sống đầy đủ hơn cho con người nhưng cũng mang đến nhiều thói quen không tốt ảnh hưởng đến tư duy, cách nhìn nhận, suy nghĩ cũng như hành động của mỗi người.
Bên cạnh đó, sự tiếp nhận thông tin thụ động qua các phương tiện nghe - nhìn hiện đại đã làm giảm bớt tính tư duy, nghiền ngẫm, sáng tạo vốn có của văn hóa đọc. Rõ ràng là nếu quá phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, con người sẽ không có thói quen đọc, thiếu kỹ năng đọc, thông tin tiếp nhận sẽ nhanh chóng nhưng cũng quên nhanh… Do vậy, để việc đọc sách ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng, bên cạnh tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia đọc sách thì việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng là việc làm cần thiết.
Kế hoạch số 78/KH-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và tác tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng về mục đích, ý nghĩa phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Qua đó, tạo động lực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TƯ ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Đồng thời, định hướng văn hóa đọc cho mỗi cá nhân, tùy thuộc vào sở thích, nghề nghiệp và điều kiện sống tiếp cận được thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích cho cuộc sống trí tuệ, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc hơn.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
![]() |
Theo Kế hoạch đến năm 2020, về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức: Phấn đấu 100% thư viện cấp huyện và 20% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ internet miễn phí; Phấn đấu 80% trở lên học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; Phấn đấu 20% - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15% - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc: Phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 80% trẻ mầm non được tiếp cận và thường xuyên nghe đọc sách, giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sách và hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ.
Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản: Phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 05 bản/người dân và đạt 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm; Phấn đấu 100% cơ sở giáo dục có thư viện hoạt động hiệu quả, trong đó 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện; 50% cơ sở giáo dục phổ thông có tủ sách lớp học; 48% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, trong đó có bộ phận phục vụ thiếu nhi; 80% thư viện của các cơ quan nghiên cứu khoa học có vốn tài liệu chuyên sâu; Phấn đấu số lượng người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 2.500.000 lượt/năm.
Kế hoạch cũng định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện để người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tín, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Duy trì và củng cố các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc; tiếp tục cải thiện môi trường đọc. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản phẩm in và điện tử).
Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên; chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
![]() Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ảnh minh họa (nguồn: suphamhanoi.edu.vn)
|
Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao văn hóa đọc
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền: Đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc.
Huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong tỉnh; xây dựng chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc trên phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức các câu lạc bộ, hội sách nhăm khuyến khích học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia đọc sách; Có các hình thức giới thiệu sách mới, sách hay, sách địa chí của tỉnh, các thông tin văn hóa, thông tin văn học trong nước và thế giới; tổ chức các diễn đàn, giao lưu trực tuyến giữa tác giả và bạn đọc; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; có hình thức tôn vinh người đọc, người làm công tác thư viện, xuất bản có hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc: Tăng cường vận động, khuyên khích các tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng, duy trì thói quen đọc sách (điện tử và chú trọng nhất là sách in) phù hợp với từng đối tượng. Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham quan, tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên của thư viện theo phương thức truyền thống và hiện đại.
Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc (nhà trường, thư viện, hiệu sách...) và tăng cường vai trò của gia đình trong việc hình thành thói quen đọc sách. Hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhóm tuổi, sở thích, định hướng và thúc đẩy xu hướng, thị hiếu đọc lành mạnh trong đó chú trọng nhất đối tượng là học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa: Rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan cần thiết, góp phần tạo môi trường đọc thuận lợi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển văn hóa đọc; Xây dựng và triển khai có hiệu quả chỉnh sách thu hút nguồn tài trợ, đâu tư cơ sở vật chất, nguồn tài liệu từ các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa đọc; Đẩy mạnh phát triển thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình, tủ sách khuyến học, tủ sách pháp luật trong toàn tỉnh; hỗ trợ nâng cao, đa dạng hóa chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thong thư viện và các loại hình tủ sách, điểm đọc; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhằm phát huy vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đối với phát triển văn hóa đọc.
![]() |
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công lập, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Thí điểm và từng bước hình thành thư viện điện tử phục vụ cộng đồng và nguồn học liệu mở cho trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức nhanh chóng, thuận tiện.
Xây dựng và phát triển hệ thống thư viện công cộng hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng, trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục của cộng đồng, nơi giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân; chú trọng phát triển thư viện trường học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chưa xây dựng được phòng đọc sách (thư viện); các trường học, đồn biên phòng, trại tạm giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã.
Bảo đảm chất lượng và nội dung thông tin trong xuất bản phẩm, chú trọng sách, tài liệu về giáo dục kỹ năng sống, tinh thần tự hào dân tộc, lối sống lành mạnh, thái độ ứng xử văn minh, giàu lòng nhân ái, phổ biến kiến thức; các tác phẩm của nước ngoài có chất lượng, đạt giải quốc tế uy tín. Bảo đảm cơ cấu sách, tài liệu phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người dân; chú trọng các loại sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi khác trong xã hội. Phát triển đa dạng các loại sách (bỏ túi, sách nói, sách điện tử) có nội dung phong phú dành cho các nhóm đối tượng, tập trung vào các nội dung phổ cập kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc.
Đặc biệt, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác; Tích cực phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến phát triển văn hóa đọc; Tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình triển khai phát triển văn hóa đọc.
Để triển khai thực hiện Đề án được tốt, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc. Đồng thời, đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi càng góp phần khẳng định: Sách và văn hóa đọc mãi mãi trường tồn, một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống văn hiến của dân tộc.