(Tổ Quốc) - Huyền sử Việt, dự án nghệ thuật lần đầu tiên kết hợp hai loại hình nghệ thuật là xiếc và cải lương với nhau nhằm tạo ra sự mới mẻ, hứa hẹn thu hút khán giả đến với sân khấu.
- 07.08.2020 Các nghệ sĩ xiếc với chương trình “Biển đảo là quê hương”
- 13.07.2020 Thông điệp sâu sắc về tình yêu và tình người qua vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai“
- 13.07.2020 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thưởng thức vở Cải lương Chuyện tình Khau Vai
- 09.07.2020 Diễn viên Xiếc miệt mài tập luyện khi Hà Nội lại bước vào đợt nắng nóng dài ngày
- 09.07.2020 Nghệ sĩ Cải lương Nam Bắc hội ngộ trong Chuyện tình Khau Vai
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp tổ chức khởi công vở diễn Cây gậy thần- tác phẩm trong dự án Huyền sử Việt chương trình nghệ thuật kết hợp giữa Cải lương và Xiếc. Chương trình nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo hơn nữa khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó, Huyền sử Việt sẽ có 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh "tứ bất tử" của người dân Việt Nam là Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên sơn Thánh và Thánh Gióng.
Huyền tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung là một mối thiên duyên vô tiền khoáng hậu- một thiên diễm tình bất hủ thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người. Câu chuyện đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, một câu chuyện đẫm chất thơ và nhiều chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh.
Cố tác giả Hoàng Luyện (giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật)- một kịch tác gia dày dặn kinh nghiệm và bút pháp uyên thâm trong những kịch bản dân gian huyền thoại đã thổi hồn vào câu chuyện cổ tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung bằng ngôn ngữ sân khấu qua tác phẩm Cây gậy thần.
Vở diễn được chính con rể của cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả Lê Thế Song chỉnh lý cho phù hợp với cả hai loại hình Xiếc và Cải lương. Yếu tố truyền thuyết mang đậm màu sắc huyền ảo của tác phẩm Cây gậy thần được các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng để kiến tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, nhân văn với các lớp diễn đan xen mang tính giải trí cao của hai loại hình nghệ thuật.
NSND Triệu Trung Kiên- Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn vở Cây gậy thần cho biết: Bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một vở diễn sân khấu, những người thực hiện có thêm nhiều "đất" để thử sức, để khám phá và thỏa mãn khả năng sáng tạo của mình. Nhưng cái khó nhất là làm thế nào để khi đặt cạnh nhau, các loại hình không bị lẫn, bị nhòe vào nhau mà vẫn thể hiện được những nét đẹp riêng; loại hình này tôn vinh, làm bật vẻ đẹp của loại hình kia và ngược lại"...
Cũng theo NSND Triệu Trung Kiên, để tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn đòi hỏi những người sáng tạo vừa phải mạnh dạn, quyết tâm trong thử nghiệm, vừa phải tài tình, khéo léo trong xử lý. Đối với các nghệ sĩ biểu diễn thì sự kết hợp này sẽ mang đến cơ hội để họ được cọ xát, giao lưu với các đồng nghiệp ở nhiều loại hình nghệ thuật khác. Song đây cũng là thách thức buộc họ phải học hỏi và khám phá, đa dạng hóa năng lực diễn xuất của bản thân.
Còn NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đồng đạo diễn vở Cây gậy thần cho biết: Việt kết hợp nghệ thuật Cải lương với nghệ thuật Xiếc tạo ra không gian mới cho các nghệ sĩ. Ngay việc kết hợp cũng đã gợi ra sự tò mò cho khán giả bởi sự lạ và khác.
Dự án thực sự tâm huyết để làm sao nền sân khấu của chúng ta có 1 sản phẩm phù hợp mang tính đương đại. Chúng tôi đã đóng góp nhiều ý tưởng, thách thức, hiện nay trên thế giới xiếc là ngôn ngữ quốc tế rất lớn. Chúng tôi tạo ra những sản phẩm trong đó nghệ thuật Cải lương và Xiếc phối hợp với nhau. Ê kip sáng tạo sẽ dùng những cái "tinh" nhất của từng loại hình để tạo nên trường cảm xúc mang tính giải trí cao cho khán giả.
Cây gậy thần có sự tham gia của dàn nghệ sĩ tài năng của đơn vị như: Minh Hải, Như Quỳnh, Xuân Thông, Đức Hảo… (của Nhà hát Cải lương Việt Nam) và các nghệ sĩ tài năng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hiền.
Với thời lượng khoảng 90 phút, Cây gậy thần được kết hợp tinh tế giữa hai loại hình nghệ thuật: Cải lương với hình thức Nhạc, Vũ, Kịch dân tộc và nghệ thuật Xiếc với sự điêu luyện của các trò khéo, những kỹ xảo đặc biệt cùng các tiết mục xiếc người, xiếc thú…hòa quyện tài tình trong một sân khấu đa dạng hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ, đáng xem./.