(Tổ Quốc) -Olivier Fabrice Ochanine- Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời - Sun Symphony Orchestra (SSO) đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc về dự án âm nhạc này.
Hà Nội có nhiều tài năng âm nhạc
- Thưa ông, cơ duyên nào để ông tới Việt Nam để chỉ đạo một dàn nhạc vừa mới được thành lập? Trước đó, ông có cảm nghĩ như thế nào về nền âm nhạc cổ điển của Việt Nam, các nghệ sĩ người Việt cũng như trình độ thưởng thức của người Việt Nam?
+ Trong thế giới nhạc giao hưởng, một trong những điều khó nhất là có được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, của các mạnh thường quân để một dàn nhạc giao hưởng có thể hoạt động hiệu quả. Do đó, khi biết Tập đoàn Sun Group sẽ bảo trợ cho dàn nhạc, tôi thấy họ rất nghiêm túc, rất tâm huyết với việc tạo nên sự khác biệt cũng như thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc, nghệ thuật Hà Nội.
Thứ nữa, tôi cũng đã làm việc ở Hà Nội nhiều lần và luôn bị cuốn hút bởi nhịp sống ở thành phố này. Thế nên ý tưởng tạo lập một dàn nhạc giao hưởng có sự tham dự của cả các nhạc công Việt Nam lẫn nhạc công quốc tế đã rất hấp dẫn tôi. Tôi cũng thích ý tưởng về một dàn nhạc tư nhân bởi với một dàn nhạc tư nhân, mọi quyết định có liên quan đến sự phát triển cũng như những ý tưởng sáng tạo cho nó sẽ dễ thực hiện hơn. Ít ra thì đó là mục tiêu của tôi. Và tất nhiên, việc trở thành một trong những người sáng lập nên một dàn nhạc từ những ngày đầu tiên của nó cũng là một đề nghị hấp dẫn, bởi nó cho phép tôi, trên cương vị Giám đốc âm nhạc, có thể chèo lái dàn nhạc đi đúng hướng ngay từ những ngày đầu.
Olivier Fabrice Ochanine - Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời. |
- Trước khi nhận lời mời trở thành Giám đốc âm nhạc của SSO, ông đã biết gì về nhạc cổ điển Việt Nam, về các nghệ sỹ cũng như khán giả của dòng nhạc này?
+ Tôi đã làm việc vài lần với Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam và cũng có đôi lần hợp tác với Dàn nhạc thính phòng. Hà Nội cũng như Việt Nam có nhiều tài năng. Tôi nghĩ âm nhạc cổ điển ở Việt Nam cũng giống như ở Philippines ở chỗ, thiếu sự hỗ trợ về tài chính. Nhạc cổ điển ở Việt Nam và ở Hà Nội không thể nói là phát triển thịnh vượng được, khi mà văn hóa pop đang thực sự là xu hướng chính trên khắp cả nước. Nhưng nói thế không có nghĩa là nhạc cổ điển không có chỗ đứng ở đây, hoặc là không có khả năng thu hút công chúng. Chỉ là chúng ta làm cách nào mang nhạc cổ điển đến với công chúng, làm thế nào để nhạc cổ điển có giá trị và có ý nghĩa với mọi người. Vì thế, đó là sự tổng hợp của việc giáo dục, sự mở cửa để công chúng được tiếp xúc với sức mạnh quyền lực của nhạc cổ điển, đồng thời tạo dựng nên những chương trình hòa nhạc đa dạng, từ sâu sắc ý nghĩa như nhạc của Beethoven, Strauss, Debussy, tới nhẹ nhàng như âm nhạc từ các vở kịch hay những bộ phim, ví dụ như vậy. Hơn thế nữa, đó còn là việc tạo một môi trường mà ở đó, mọi người đều thấy mình được đón chào.
- So với nghệ sĩ các nước phương Tây, họ có nhiều điều kiện để học và trình diễn nhạc hàn lâm và có thể tự tin sống bằng nghề nhưng tại Việt Nam thì không được như vậy. Vậy ông hy vọng gì vào đợt "tuyển quân" rầm rộ mà Dàn nhạc giao hưởng Mặt trời định làm trong thời gian tới?
+ Thực tế là các nghệ sỹ nhạc cổ điển trên thế giới đều đối mặt với những khó khăn tương tự. Nhạc cổ điển không phải là lĩnh vực để tìm đến khi nghệ sỹ muốn kiếm nhiều tiền. Xác định theo đuổi âm nhạc cổ điển là người nghệ sỹ đã chấp nhận thiệt thòi, khó khăn, thậm chí, nghề này đòi hỏi ở họ ý chí quyết tâm cao, nhưng cũng phải là một người linh động, cảm thấy thoải mái trong một môi trường luôn thay đổi. Là bởi trong giao hưởng cũng như trong thế giới âm nhạc, mọi thứ đều có xu hướng thay đổi liên tục.
Đối với SSO, tất cả những điều tôi hy vọng là mang đến một cơ hội cho những nghệ sỹ xứng đáng một nơi làm việc mà họ có thể có nguồn thu nhập ổn định, nếu không muốn nói là cao hơn mức lương trung bình của các nghệ sỹ cổ điển Việt Nam khác (nơi mà nhiều năm học hành, tập luyện và công sức của họ được thấu hiểu, được đánh giá đúng), và nơi họ có thể làm việc chuyên tâm với nghề mà không phải vội vã hối hả lo kiếm tìm những việc khác để lo cho bản thân và gia đình. Bằng cách này, dàn nhạc sẽ là nơi mà những tài năng nghệ thuật thực sự có trách nhiệm, nơi các nhạc công có thể tập trung tâm sức cho âm nhạc và nơi âm nhạc thăng hoa.
Tương lai SSO sẽ có những buổi biểu diễn ở nước ngoài
- Nhạc giao hưởng kén chọn người nghe và không dễ tiếp cận công chúng. Tuy nhiên trên thế giới các nghệ sĩ đã có nhiều cách làm sáng tạo để tiếp cận công chúng như nhóm nhạc Bond hay The Piano Guys để đưa âm nhạc hàn lâm tới khán giả trẻ và cộng đồng rộng lớn người yêu âm nhạc. Với Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời, ông có ý tưởng táo bạo nào để tiếp cận công chúng?
+ Tôi đã có một vài ý tưởng với SSO, nhưng những kế hoạch, những dự định của tôi với dàn nhạc sẽ được tiết lộ theo thời gian, trong những buổi hòa nhạc mà chúng tôi sẽ đem đến cho khán giả sau này. Đây mới là giai đoạn đầu hình thành của SSO. Bond và The Piano Guys, không phải là những dàn nhạc giao hưởng. Và với vai trò một dàn nhạc giao hưởng, chúng tôi cũng không thể đi quá xa khỏi cấu trúc cũng như vai trò của một dàn nhạc thính phòng chuẩn mực quốc tế (chúng tôi không muốn đơn giản hóa âm nhạc cổ điển và ý nghĩa của nó tới mức phủ nhận bản chất cốt lõi của âm nhạc là gì) song chúng tôi chắc chắn sẽ hướng tới tìm những cách thú vị để có thể tiếp cận được đa dạng khán thính giả. Và với mục tiêu đó, tôi cũng sẽ tìm đến những chuyên gia về văn hóa Việt Nam để tìm hiểu xem làm cách nào tốt nhất để có thể đạt được điều đó.
- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác quốc tế của các nghệ sĩ nhạc giao hưởng Việt Nam? Với Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời, cơ hội đó sẽ được thể hiện như thế nào?
+ Tương lai, SSO sẽ có những chuyến biểu diễn ra nước ngoài. Chúng tôi muốn các nhạc công của mình có cơ hội được tiếp xúc với các nền văn hóa khác, để học hỏi, để thể hiện tài năng của họ. Những dàn nhạc giao hưởng mạnh thường tạo cơ hội ra đi nhiều để tạo nên kinh nghiệm giao thoa văn hóa cho các nhạc công. Chúng tôi cũng sẽ mời các nghệ sỹ nước ngoài đến Việt Nam, trước hết là để đào tạo các nhạc công của chúng tôi, hơn nữa là để tạo điều kiện cho họ được tiếp xúc, biểu diễn với những nghệ sỹ có tên tuổi trên thế giới. Điều này cũng tốt cho cả khán giả nữa.
- Trước đó được biết ông làm nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Phillipines, chuyển sang Việt Nam -một vùng đất mới, ông có căng thẳng gì và Việt Nam có điều gì làm ông bớt lo lắng?
+ Philippines và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Con người thân thiện, đều hướng tới gia đình, và quan trọng là cả hai nơi này đều có nhiều tài năng. Khác biệt lớn nhất với tôi có lẽ là hầu hết người Việt đều không nói tiếng Anh- người Philippines thì khác, điều đó có nghĩa là tôi cần phải học một chút tiếng Việt. Thật không dễ chút nào với tôi vì tiếng Việt khó hơn nhiều so với tất cả những thứ tiếng tôi đã học nhưng tôi không ngại thách thức này.
Áp lực, lo lắng, với bất cứ ai đảm nhận một vị trí mới, không thể nói không có, và đặc biệt là khi chúng tôi đang hình thành một sản phẩm (dàn nhạc) hoàn toàn mới. Tôi thích thử thách, chúng khiến tôi thấy mình đang sống và tôi luôn mở cửa đón thách thức mới. Tôi đang được làm việc với một nhóm những người đầy nhiệt huyết với âm nhạc cổ điển. Chúng tôi đang cần tuyển rất nhiều nhân viên, những người làm việc cùng tôi đang nỗ lực ngày đêm để đảm bảo SSO khởi đầu tốt đẹp. Tôi vinh dự được đồng hành với họ.
- Ông và gia đình sẽ gắn bó lâu dài với vùng đất mới này chứ?
+ Điều này rất khó xác định. Cuộc sống của một nghệ sỹ luôn khó xác định như thế. Tôi là một kẻ du mục. Tôi thích dịch chuyển. Nhưng với SSO, tôi hy vọng có thể giúp dàn nhạc đạt đến một sự thành công trên con đường mà nó sẽ đi, cho đến khi nhà hát mới xây xong, và sau đó nữa. Đó là một chương mới trong cuộc đời tôi và là một cuộc phiêu lưu thú vị.
- Xin cảm ơn ông!
Thái Tùng (thực hiện)