• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Internet và văn học đại chúng *

30/12/2016 11:50

(Tổ Quốc)- Với tất cả những mới lạ đó, với sự chuyển dịch từ những entry trên blog sang hình thức cuốn sách sáng tác của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, theo tôi vẫn thuộc về phạm trù của văn học đại chúng.

 





Có một phố vừa đi qua phố: tập hợp những entry trên blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên (ảnh Internet)



Xuất bản năm 2013, Có một phố vừa đi qua phố (tập hợp những entry trên blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên) nhanh chóng trở thành một hiện tượng của đời sống văn học. Trên bìa bốn của Có một phố vừa đi qua phố (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành) là lời giới thiệu của Đỗ Thu Hà:

Đinh Vũ Hoàng Nguyên mất rạng sáng 23 thang Ba năm 2012, đúng sinh nhật lần thứ 38. Chàng nhà thơ này chưa có thơ xuất bản, nhà văn này không có truyện ngắn đăng báo, hoạ sĩ này chưa có triển lãm cá nhân.

Nhưng tất cả những ai từng biết Nguyên qua blog Lão Thầy Bói Già, qua Facebook với nick Đinh Vũ Hoàng Nguyên đều đã kịp chiêm ngưỡng những bức hoạ tràn trề màu xanh hi vọng của Nguyên, đã kịp say sưa theo dõi những truyện ngắn Nguyên post lên mạng làm nhiều kỳ, lôi cuốn, hồi hộp, cười đau cả ruột mà nước mắt ứa ra lặng lẽ”

Bài giới thiệu mở đầu cuốn sách của nhà văn Lê Minh Hà cũng dành cho cây bút này rất nhiều thiện cảm từ góc độ của một người đọc và của một người cầm bút:

“Đinh Vũ Hoàng Nguyên chỉ quăng một stutus thôi là kéo giật được bao nhiều người nhào vào đọc, rồi bình. Cứ nghĩ đến chuyện mình mang hết góc nọ góc kia của cõi lòng của miền tâm cảm bày ra trên mạng mà thiên hạ coi như nước ao bèo không thèm ném cho hòn sỏi, đọc thống kê lượng người vào thăm nhà Nguyên, khéo buồn khéo tủi khéo ghen.

Quả trên mạng chưa thấy có ai có được những status hài hước thế. Đây không hẳn là cái duyên, giỏi nhìn ngó và biết kể, mà là hẳn một kiểu tư duy, không thể nào bắt chước được

[…] Một chuyện tình là một truyện ngắn hoàn hảo trong nghĩa này. Phảng phất như Nam Cao, trong cái dịu dàng tít tắp đằng sau câu chữ. […] Ở những entry khác, mà có lúc Đinh Vũ Hoàng Nguyên cũng chú trước là truyện ngắn, tưởng chừng như tác giả Số đỏ có truyền nhân”.[1]

Những bình luận trên có thể gây tranh luận nhưng thiện cảm của người đọc dành cho Đinh Vũ Hoàng Nguyên và tác phẩm của anh là có thật. Tra cứu trên Google, những nhận xét phản hổi của người đọc về Có một phố vừa đi qua phố dao động từ 3 sao đến 5 sao. Rất nhanh, trên Internet đã có bản PDF và Ebook cho tác phẩm này (một dấu hiệu cho sự quan tâm của độc giả). Quan trọng hơn cả, cùng với Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thuý (một nữ nhà văn chuyên nghiệp đã được cộng đồng sáng tác thừa nhận), Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên đã được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014 - một giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, một trong 10 thành viên chấm giải, nhận xét về cuốn sách:

“Cuốn sách cho thấy một gương mặt tương đối đặc biệt trong giới viết lách hiện nay: một người không định làm văn chương, nhưng đã đạt đến giá trị văn chương”.[2]

Tóm lại, với hình thức cuốn sách, nhà xuất bản, giải thưởng của một tổ chức văn học chính thống, những bình luận của giới sáng tác và phê bình đã khiến những đăng tải trên internet của một người viết (dưới hình thức blog) đã gia nhập vào không gian văn học chính thống của xã hội, được bình luận và đánh giá như một hiện tượng văn học. Bài viết này của chúng tôi sẽ tập trung lí giải nguyên nhân khiến cho Có một phố vừa đi qua phố có được độc giả của mình cũng như vị trí của tác phẩm này đồng thời đưa ra những thảo luận xung quanh những đặc điểm của văn học đại chúng nói chung trong đời sống văn học đương đại với sự hiện diện của Internet.

*

Trước khi có sự xuất hiện của Internet, có ít nhất hai cách hình dung về văn học đặc tuyển và văn học đại chúng:

(1) Trung tâm và ngoại vi: trong cách hình dung này văn học đặc tuyển là trung tâm, là bộ phận văn học được phê duyệt bởi những thiết chế: trường học và trường đại học gắn liền với sách giáo khoa, học liệu, giáo trình…; các hoạt động nghiên cứu, phê bình, trao giải thưởng của các tổ chức văn học, các cơ quan nghiên cứu văn học nghệ thuật. Thực chất đây là một tương quan quyền lực nhằm xác lập những gì được xem là có ý nghĩa và giá trị như trong những phân tích của M. Foucault. Trường hợp trao giải thưởng cho Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một ví dụ: với giải thưởng này một sáng tác hoàn toàn ở ngoại vi đã bước vào khu vực trung tâm, được thừa nhận là “đạt đến giá trị văn chương”. Hướng tiếp cận trung tâm ngoại vi vì thế là hướng tiếp cận mang màu sắc xã hội học.

(2) Đỉnh cao và nền: cách hình dung này muốn thiết lập một mối quan hệ giữa cái trung bình, mẫu số chung thông thường với những đỉnh cao của hoạt động sáng tác văn học. Theo đó, văn học đại chúng thường được hình dung như là cái phổ biến, đóng vai trò như những vật liệu, những dưỡng chất (không tự giác hoặc tự giác) làm tiền đề cho sự xuất hiện của những sáng tác nghệ thuật đích thực. Ý nghĩa văn học của văn học đại chúng trong trường hợp này phụ thuộc vào mức độ của sự liên đới[3], hoặc ít nhất là sự chia sẻ một / một vài thuộc tính nào đó giữa văn học đại chúng với những tác phẩm văn học đặc tuyển đã được thừa nhận[4].

Sự xuất hiện của Internet với những blog cá nhân đã làm xuất hiện một hình thức mới cho các hoạt động viết và lưu chuyển thông tin nói chung và văn học đại chúng nói riêng. Tất cả các hình thức truyền thông trước đó, như chúng ta đều biết, dù cởi mở thông thoáng đến đâu vẫn phải thông qua một/một số trung tâm kiểm định, cấp phép xuất bản/ truyền thanh trước khi đến với đông đảo công chúng. Đúng là công chúng có quyền tự do lựa chọn nhưng mặt khác họ chỉ có thể lựa chọn từ những gì mà trung tâm/ những trung tâm trên cấp phép, phê duyệt. Sự giao tiếp giữa người viết và độc giả với sự hiện diện của những trung tâm kiểm duyệt và truyền thông này cũng vì thế là một quan hệ gián tiếp.

Một vai trò của các trung tâm kiểm duyệt và truyền thông tin như đã miêu tả ở trên hoàn toàn bị biến mất với sự xuất hiện của Internet với những Blog cá nhân. Ở đây tác giả hoàn toàn tự do với những ghi chép, những entry của mình. Và nếu những viết lách của anh ta tìm được sự tán thưởng của người đọc, anh ta và blog của mình hoàn toàn tự mình trở thành một trung tâm, tự mình thiết lập một giá trị văn chương. Trên thực tế, trước khi những tác phẩm của Đinh Vũ Hoàng Nguyên có hình thức tồn tại của cuốn sách thì những viết lách của anh đã được cộng đồng người đọc trên mạng thừa nhận. Anh trở thành tác giả ngay khi “chưa có thơ xuất bản”, “không có truyện ngắn đăng báo” như ghi nhận của Đỗ Thu Hà. Hiện tượng sáng tác của Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một minh chứng không thể phủ nhận về một quyền lực mới mà Internet đã đem đến cho người viết. Như thế, nếu như ở văn học đặc tuyển vai trò của các trung tâm kiểm duyệt và truyền thông vẫn tồn tại thì ở bộ phận văn học viết trên Internet tính giải - trung tâm (decenter) lại là một đặc điểm nổi bật. Trung tâm và giải trung tâm đấy là một nét nghĩa mới để nhận diện về sự khác biệt giữa văn học đặc tuyển và văn học đại chúng. Sự khu biệt này, như những phân tích ở trên, có nguồn gốc từ sự can thiệp của công công nghệ vào trong phương thức đăng tải và công bố các sản phẩm liên quan đến hoạt động viết của chủ thể sáng tác.

*

Đâu là những đặc điểm cho lối viết trên blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên?

Thứ nhất, trong một bài viết bàn về những đặc điểm của giai đoạn hậu hiện đại, nhà nghiên cứu Ngô Tự Lập có giới thiệu một cách khu biệt xã hội hiện đại và hậu hiện đại dựa trên tiêu chí phương tiện truyền thông, theo đó: truyền thông trong xã hội hiện đại là “thông tin đại chúng” (broadcast) đối lập với xã hội hậu hiện đại là “thông tin tiểu chúng” (narrowcast). Đặc điểm của thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh và truyền hình truyền thống) là: “truyền thông tin như nhau từ một nguồn tới mọi độc giả, thính giả hoặc khán giả”. Đặc điểm của “thông tin tiểu chúng” là gắn với Internet, đó là những thông tin mà người truyền tin có cho mình một đối tượng độc giả đã được xác định trước (targeted readers)[5]. Theo chúng tôi cặp khái niệm broadcast/ narrowcast ngoài cách dịch “thông tin đại chúng”/ “thông tin tiểu chúng” mà Ngô Tự Lập đề xuất còn có thể dịch là “thông tin phổ rộng”/ “thông tin phổ hẹp”. Những đặc điểm trong lối viết trên blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên trước tiên là gắn chặt với kiểu “thông tin phổ hẹp” trên không gian của Internet.

Dưới nhan đề Có một phố vừa đi qua phố là một ghi chú về thể loại: tạp văn. Khái niệm tạp văn ở đây không phải để chỉ thể loại chính luận xuất hiện trên báo chí như cách hiểu thông thường[6]. Tạp văn ở đây trước tiên là sự đa tạp của các tiểu loại mà theo chính sự sắp xếp và gọi tên của những người làm sách bao gồm: Thơ - Truyện ngắn - Y và những gã - Lảm nhảm - Viết ngắn. Ở ba và đặc biệt là hai tiểu loại cuối tạp còn có nghĩa là những gì vụn vặt, không quan trọng, bông lơn, trào tiếu, viết ra như một một bâng quơ, thiếu chỉnh thể, thiếu (và cũng không cần) một gốc rễ rõ ràng (Hồ Sỹ, Nhặt từ mồm Châu Điên, Hiệp hội sản xuất bàn là, Chuyện của Xiến Tóc, Bố vợ mình, Trích nhật ký của một ông chồng trong những ngày … đặc biệt,…). Rất khó xếp những entry này vào những ô thể loại có sẵn trong đời sống văn học bởi lẽ đây chính là những dạng thức mới mà không gian blog trên Internet đã đem lại cho hoạt động viết. Đặc điểm chung cho những lối viết mới này là: ngắn gọn, đa dạng về nội dung thông tin, được viết ra nhằm hướng tới chia sẻ thông tin và cảm xúc về những gì chợt đến trong cuộc sống thường ngày. Có lẽ, cách viết này vì khác hẳn với cách lập ngôn, sáng tác nghiêm cẩn (và vì thế cũng rất khó sắp xếp vào những ô phân loại quen thuộc của hoạt động viết truyền thống) nên dễ gây ấn tượng là tạp?

Nhưng không chỉ là vấn đề phân loại từ những tiêu chí hình thức. Một cách tự nhiên, lối viết như những mảnh vụn, tản mạn của blog nói trên gắn liền với một nội dung rất riêng: thường là những ghi chép tản mạn về đời sống quanh mình, về chính mình, về bè bạn. Lối viết blog này vì thế tiến đến gần với những hồi kí, tự truyện của một cá nhân hoặc một nhóm bạn bè thân hữu. Đối tượng được tái hiện cũng đồng thời là những độc giả đầu tiên, những độc giả được xác định trước (targeted readers) và có lẽ cũng là quan trọng nhất với người viết blog. Không ngẫu nhiên, nhại Sử ký, Đinh Vũ Hoàng Nguyên tự nhận cho anh vai trò của một sử gia để viết những “liệt truyện” cho bạn bè mình theo kiểu Chuyện của họ Hà, Chuyện của họ Bùi… Nói cách khác, đây là những câu chuyện cá nhân được thuật kể lại để bông đùa hơn là có tham vọng đại diện, khái quát, nhận thức, chất vấn, phản biện về hiện thực - những tiêu chí đã trở thành mặc định của văn chương hàn lâm. Ngay chính Đinh Vũ Hoàng Nguyên trong một entry trả lời một fan nữ cũng đã rất thẳng thắn thừa nhận: “Đa phần nội dung blog này là kỷ niệm cá nhân, là chuyện nhảm, những nhân vật được nhắc đến trong đây có thật, chơi với y ngoài đời. Viết lại cốt khỏi quên,… và cũng giúp mớ bạn xưa cùng nhớ”.[7] Nói theo ngôn ngữ của hậu hiện đại thì đây thuần tuý là những tiểu / vi tự sự được hình thành từ nhu cầu chia sẻ những hiện thực của một nhóm cá nhân cụ thể trong đời sống. Đây là lí do để chúng tôi hình dung “tạp văn” của Đinh Vũ Hoàng Nguyên là một dạng thức của tự truyện, hồi kí, nhật ký trong xã hội hiện đại. Một lối tự truyện thông tục, suồng sã và dân chủ hơn vì hướng tới, trước tiên, là những độc giả gần gũi và thân thuộc với người viết. Một lối viết, một giao tiếp giữa người viết - độc giả như thế là không thể hình dung được nếu không có sự xuất hiện của Internet.

Thứ hai, cách dịch cặp thuật ngữ broadcast/ narrowcast như là “thông tin phổ rộng”/ “thông tin phổ hẹp” ở trên chỉ đơn thuần để miêu tả dự kiến về đối tượng nhận tin của người truyền tin. Thông tin phổ hẹp vẫn có khả năng thu hút một số lượng người đọc đông đảo. Không gian blog cho phép sự truy cập tự do của cộng đồng mạng và vì thế tạo nên một hiệu ứng đọc đặc biệt sâu rộng mà không một hình thức in ấn, xuất bản nào trong truyền thống có thể so sánh được. Sự hấp dẫn từ blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên là không cần chứng minh. Nhu cầu được xuất bản những entry của anh thành sách, và việc cuốn sách được trao giải thưởng tự nó đã nói lên tất cả.

Lí giải cho sự hấp dẫn này có lẽ vẫn phải bắt đầu từ tính chất tạp của Có một phố vừa đi qua phố. Tạp ở đây được hiểu là cái xô bồ, cái tục trong sự đối lập với cái thuần, nhã. Cái thống nhất trong tất cả những tiểu loại (trừ thơ) trong Có một phố vừa đi qua phố là tục: sự kiện, hành vi, đặc biệt là ngôn ngữ của các nhân vật đều nghiêng về phía tục, nếu không thì cũng là những hành vi, ứng xử khó lòng được đạo đức phê duyệt. Bản thân Đinh Vũ Hoàng Nguyên, trong những tự hoạ về bản thân, cũng hiện lên như một người thích nói tục, thích những cách hành xử khiến các nhà sư phạm phải ngần ngại. Nhưng đây lại chính là nguyên nhân để cộng đồng mạng hứng thú với blog của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Vì sao?

Vì cái tục của Đinh Vũ Hoàng Nguyên về cơ bản gắn với cái hài. Một cái hài gần với tiếu lâm truyền thống. Tiếng cười trong những trang viết của Nguyên đến từ sự hài hước, từ cái duyên ngầm, cái tinh tế trong nhấn nhá, câu chữ của người kể chuyện dân gian.

Tôi muốn dừng lại ở đây để bàn sâu hơn về cái gọi là tiếng cười tiếu lâm của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Người Việt, trong đời sống, trong thực tế nói năng ngày thường là một dân tộc thích cười. Với người bình dân, cái tục và tiếng cười gắn liền với nhau và đó là cách thế để họ đối mặt với một thực tại khốn khó, buồn tẻ[8]. Cái tục vì thế luôn ẩn hiện trong folklore, trong những giao tiếp nói năng của đời sống sinh hoạt. Nhưng văn học viết của người Việt, dưới ảnh hưởng lâu dài của nguyên lí “ngôn chí, tải đạo” từ Nho giáo, thì lại rất đạo mạo, tiếng cười gắn với cái tục vì thế, trừ một vài ngoại lệ, nhìn chung là vắng bóng. Trong quá khứ, cái cười của văn chương nhà Nho thường là cái cười thâm trầm, trang nhã, mang tính giáo dục, dăn rạy nên cũng không thuận lợi cho cái tục xuất hiện. Hình thành cặp nhị phân viết / nói. Chữ viết, trong quá khứ, có nguồn gốc từ sách vở thánh hiền nên chỉ cho phép ghi chép lại những gì thanh nhã, theo quy chuẩn, có ý nghĩa, cần được lưu giữ, trao truyền và và vì thế mang trong nó hào quang của sự bất tử. Nói, trái lại, vì là “lời nói gió bay”, vì gắn với đời sống sinh hoạt thường ngày nên thường được xem là “nôm na” dân giã và vì thế ứng xử rất dân chủ, thân thiết với cái tục, với những gì lệch chuẩn, nhăng nhố, tạm bợ, bông đùa, thiếu nghiêm túc và vì thế là phù du. Sự xuất hiện của chữ quốc ngữ với những phương tiện thông tin đại chúng của báo chí đầu thế kỉ XX là một bước tiến trong quá trình làm giảm đi tính nhị phân viết/nói nhưng sự phân biệt giữa những sự kiến trong nói năng trong sinh hoạt và viết trong sáng tác văn chương vẫn là một thực tế. Cái tục, cái dân dã đi vào trong văn học lập tức trở thành cái có ý nghĩa, gắn với một mục tiêu nghiêm túc: phản biện, phê phán, nhận thức về hiện thực. Cái tục trong những trường hợp này không còn gắn với tiếng cười hài hước của tiếu lâm trong văn học dân gian, trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Phải đến sự xuất hiện của Internet thì cặp nhị phân viết/nói mới thực sự được vượt qua. Những entry của Đinh Vũ Hoàng Nguyên thực chất là những chuyện tiếu lâm, những câu chuyện bạn bè vẫn thường kể lại cho nhau trong những không gian của quán nhậu, vỉa hè. Trên thực tế, nhiều câu chuyện, nhiều hành vi bợm bãi, lệch chuẩn của những nhân vật mà Nguyên kể lại không xa lạ với ký túc xá và đời sống sinh viên thế hệ 7x trở về trước, nhất là những trường đại học liên quan đến các khoa về nghệ thuật, kiến trúc và văn học. Tất cả những sự kiện vốn thuộc về phạm vi nói năng dân dã ấy giờ đây nhờ vào hình thức blog trên Internet mà đã có một hình thức tồn tại mới: hình thức của viết. Như thế biến đổi mỹ học quan trọng nhất từ tính chất giải trung tâm của văn học đại chúng không gì khác chính là giải nhị phân viết/nói và vì thế mở rộng cánh cửa cho những hiện tượng lệch chuẩn, tếu táo, đùa nghịch của nói tràn vào không gian của viết.

Chỉ có điều tất cả những gì nhố nhăng, bợm bãi, lệch chuẩn ấy vốn không xa lạ với cuộc đời thực, hay ít nhất thì cũng trong những giai đoạn nhất định trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Hình như, trong cuộc đời của một con người bình thường, có những giai đoạn người ta có nhu cầu, khoái cảm với những hành vi lệch chuẩn, với những nói năng gây hấn với các phép tắc được răn dạy. Cả một thế giới mênh mông như thế vốn phải chịu thân phận phù du, lời nói gió bay trong một cộng đồng hạn chế giờ đây lại có được hình thức bất tử của viết, lại có được sự chia sẻ trong một không gian không biên giới của internet. Những riêng tư trong câu chuyện của Nguyên và những người bạn của anh bỗng tìm thấy sự đồng vọng trong tâm sự của vô số những người đến với blog của anh. Những gì vốn bị cấm đoán, vốn chỉ có thể là tiếng cười của một nhóm bỗng thành tiếng cười của cả cộng đồng cư dân mạng. Tiếng cười ấy, vì sự bình dân, vì sự quen thuộc của nó với đời sống của con người vì thế đã trở thành liều thuốc an thần, giúp người đọc thư giãn, giải trí sau bề bộn những gánh nặng nhân sinh. Nó không nhằm đả phá, hạ bệ. Nó là tiếng cười cho phép người ta thả lỏng mình trong những trò đùa, những nghịch ngợm, phá cách ranh mãnh vốn là một phần tự nhiên của đời sống mỗi cá nhân.

Cần nhấn mạnh một điểm: những phá cách, đùa nghịch, bợm bãi trên không cản trở người ta trở thành một nhân cách lành mạnh, nếu không muốn nói là chính vì thế mà người ta biết sống một cách lành mạnh. Con người là một thực thể đa ngã. Trong cuộc đời thực, một cậu học sinh với những câu trả lời về tình yêu khiến cô giáo chủ nhiệm xem như một hành vi vô đạo đức, một vết nhơ cho trường, lớp nhưng 20 năm sau vẫn trở thành người “hơi bị tốt”[9]. Trong sáng tác, chấp nhận cái tôi đa ngã giải thích hiện hiện tượng vì sao Đinh Vũ Hoàng Nguyên viết văn xuôi thì táo tợn, băm bổ, tục, tếu nhưng khi cầm bút viết thơ lại rất tha thiết, ân tình. Không gì khác, đó chính là những bản ngã khác nhau cùng tồn tại trong một cái tôi. Không gian văn học truyền thống tiền - Internet có thể mở cửa cho thơ của Nguyên và đóng lại trước những trang viết văn xuôi của anh nhưng hình thức blog trên Internet thì cho phép cả hai phương diện đó cùng hiện diện một cách bình đẳng. Cái tạp như là hệ quả của việc giải nhị phân viết /nói trong không gian của Internet vì thế hàm chứa trong nó tinh thần dân chủ rất đặc trưng cho xã hội hậu hiện đại.

*

Với tất cả những mới lạ đó, với sự chuyển dịch từ những entry trên blog sang hình thức cuốn sách (được trao giải thưởng) sáng tác của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, theo tôi vẫn thuộc về phạm trù của văn học đại chúng. Đằng sau những ngổ ngáo, tục, tếu, tạp, gây hấn… trong văn xuôi của Nguyên người ta vẫn thấy một thế giới nguyên lành, ấm áp của tình bằng hữu, của tình cảm gia đình. Những gã đàn ông trong những entry của Nguyên dù bợm bãi, nói năng hành xử thô tục, triết lý huyênh hoang về phụ nữ … nhưng vẫn là những kẻ “kính vợ”, sùng bái con cái và ân tình, thậm chí là chí tình với bạn bè. Đó là một thế giới như muốn tương phản lại với cuộc đời vốn đầy rẫy Nhạc Bất Quần: sạch sẽ, cao đạo, nhưng hiểm độc. Cái tục, cái tạp của Nguyên vì thế là nhẹ nhõm chứ không phiền muộn, cay đắng; là cái tục để giải trí, giải thoát khỏi hiện thực, để tin vào những hằng số của nhân tính chứ không phải để phản biện, chất vấn hiện thực như trong những sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp hay Nguyễn Việt Hà.

Một khu biệt như thế không phải để xếp thứ bậc giữa văn học đặc tuyển và văn học đại chúng mà để nhận biết rõ hơn về những khác biệt. Một đời sống văn học lành mạnh, như chúng ta đều biết, luôn là môi trường cộng sinh của những khác biệt./.

PGS.TS Trần Văn Toàn





---------------

* Nhìn từ trường hợp Có một phố vừa đi qua phố của Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Viết nhân Hội thảo "Thị trường văn học và văn học thị trường: lý luận và thực tiễn" ngày 29/8/2016 do Viện Văn học tổ chức



[1] Đinh Vũ Hoàng Nguyên (2013), Có một phố vừa đi qua phố, NXB Hội nhà văn, Công ty Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, tr. 5, 7

[3] Những phân tích của chúng tôi về tính đại chúng trong những sáng tác của Hồ Biểu Chánh, mối quan hệ giữa Truyện nàng Hà Hương/ Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoàng Mưu và Đời mưa gió của Nhất Linh, Khái Hưng là theo hướng này. Một cách cụ thể, xin xem: Trần Văn Toàn (2008), “Hồ Biểu Chánh và thị hiếu độc giả”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2, 2008; Trần Văn Toàn (2009), “Diễn ngôn tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỉ 20 đến 1945)”, trong sách Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, NXB Thế giới, 2009.

[4] Điều này lí giải cho sự so sánh những tác phẩm của Đinh Vũ Hoàng Nguyên với những sáng tác của Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng mà Lê Minh Hà đưa ra trong bài viết giới thiệu cho Có một phố vừa đi qua phố đã được chúng tôi trích dẫn trong phần [1]

[5] Xem: Ngô Tự Lập, “Ba cách hiểu về hậu hiện đại”, Nguồn: http://phebinhvanhoc.com.vn/ba-cach-hieu-ve-hau-hien-dai/

[6] Tạp văn: “Những áng văn tiểu phẩm [...] vừa có tính chính luận sắc bén vừa có tính nghth cô đọng, phản ánh và bình luận kịp thời các hiện tượng xã hội”, xem Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, tr.294

[7] Đinh Vũ Hoàng Nguyên (2013), tr. 101

[8] Nguyễn Văn Trung lí giải về hiện tượng đố tục giảng thanh của người Việt: “Người bình dân không có điều kiện được học nhiều để hưởng những thú văn chương, cũng không có tiền của nhiều để được ăn của ngon vật lạ. Rượu là thứ tốn phí không thể uống hàng ngày được. Rút cục họ chỉ có ba thứ ít tốn phí luôn luôn trong tầm tay của họ: đàn ông đàn bà ăn nằm với nhau (cái tục - TVT chú), ăn trầu hay hút thuốc và mơ mộng dự ước sống những hoàn cảnh khác oai hùng dọc ngang trời đất, nổi tiếng sơn hà, thoát khỏi cảnh sống thấp kém đều đặn, buồn tẻ, vất vả trong thực tế...

Khi chơi câu đố, họ bày tỏ cả ba cái thứ đó, mượn thứ này để nói về thứ kia”. Xem Nguyễn Văn Trung (1986), Câu đố Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr.209

[9] Đinh Vũ Hoàng Nguyên (2013)

NỔI BẬT TRANG CHỦ