(Tổ Quốc) - Thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này đang trong giai đoạn thiếu những “món hàng mới” giúp giải khát cho nhà đầu tư, trong hoàn cảnh tiến trình cổ phần hóa, IPO của khối doanh nghiệp Nhà nước đang chậm trễ. Trong bối cảnh đó, An Phát Holdings ra mắt giới đầu tư qua phiên IPO cùng câu chuyện phát triển nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.
Bất ngờ từ bước đi đầu tiên
Giới chuyên gia nhận định rằng, thị trường chứng khoán cuối quí II đến hết quí III nhiều khả năng bước vào giai đoạn sideway (đi ngang), do đó các cơ hội kiếm lời sẽ không còn hấp dẫn như trước.
Sức hưng phấn trên thị trường chung đã giảm sút rõ rệt, nhưng dường như điều này lại không đúng với trường hợp IPO của cổ phiếu CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH).
Có hai yếu tố để có thể đánh giá đây là một thương vụ IPO rất thành công:
Thứ nhất, 110 nhà đầu tư đăng kí tham gia với khối lượng đặt mua 20,76 triệu đơn vị, gấp 4,8 lần lượng thực tế chào bán.
Thứ hai, giá trúng đấu giá bình quân lên tới 50.018 đồng/cp, gấp hơn hai lần giá khởi điểm. Thậm chí, mức giá cao nhất mà nhà đầu tư sẵn sàng trả lên tới 52.800 đồng. Phía APH thu về số tiền hơn 215 tỉ đồng từ việc chào bán cổ phiếu lần đầu. Đây đều là những con số biết nói, thể hiện sức hấp dẫn của cổ phiếu APH.
Trong số các nhà đầu tư trúng đấu giá, ông Nirav Sudhir Patel – thành viên HĐQT mới của An Phát Holdings, đại diện từ tổ chức The Asia Group đã mua vào 696.000 cổ phiếu, tương ứng 0,5% vốn điều lệ.
Nếu đem so sánh, có thể thấy rằng giới đầu tư đang trả kì vọng rất cao vào cổ phiếu doanh nghiệp hàng đầu ngành nhựa là công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) và Nhựa Hà Nội (Mã: NHH).
Nhưng khi được người viết hỏi về việc có bất ngờ với kết quả đấu giá này không, Ban Lãnh đạo (BLĐ) của APH nói rằng không.
Ông Đinh Xuân Cường – Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc APH cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư trao đổi và làm việc với công ty từ trước, qua đó BLĐ nắm được tương đối mức giá mà họ dự kiến đầu tư. Ông Cường cũng tiết lộ rằng, các nhà đầu tư tỏ ra rất quan tâm đến dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio, giúp APH có khả năng chủ động được đầu vào sản xuất.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm những thương vụ IPO đáng chú ý không đếm nổi trên một bàn tay, nguyên nhân đến từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu trên hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Rõ ràng, đây không phải là thời điểm tốt để các doanh nghiệp triển khai kế hoạch huy động vốn trên sàn chứng khoán bởi tâm lí bi quan của giới đầu tư, cũng như việc giá trị doanh nghiệp có thể bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.
Nhìn sang khối doanh nghiệp Nhà nước, 2020 là hạn chót cổ phần hóa, IPO với nhiều đơn vị theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc chậm trễ khả năng cao sẽ diễn ra.
Thị trường chung trong giai đoạn đi ngang dường như đang tìm kiếm những món hàng mới gắn với những câu chuyện kinh doanh mới. Chưa kể sự tham gia của những nhà đầu tư F0 với đặc điểm là tính hưng phấn rất cao trong giai đoạn đầu là những những yếu tố có thể giải thích được phần nào sự thành công của phiên IPO APH.
APH có gì khi lên sàn?
Năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của APH đạt hơn 9.500 tỉ đồng, với lợi nhuận sau thuế 712 tỉ đồng (tương ứng 50% vốn điều lệ). Trong đó, doanh thu hoạt động kinh doanh lõi ngành nhựa tăng trưởng 9,5%. Ngoài ra, điểm đáng chú ý là mảng kinh doanh khu công nghiệp (KCN) mới đi vào hoạt động nhưng đóng góp đáng kể vào chỉ tiêu lợi nhuận.
Kế hoạch của BLĐ APH trong năm nay là tiếp tục tăng trưởng hướng đến doanh thu hợp nhất 12.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỉ đồng, đồng thời dự kiến trả cổ tức 10% so với việc không trả năm 2019. Đây là các chỉ tiêu được đánh giá cao nếu đặt trong bối cảnh triển vọng kinh doanh bất ổn và việc APH phải tập trung nguồn lực đầu tư vào dự án nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.
Nền tảng của APH gồm Công ty Nhựa An Phát Xanh đang sở hữu 7 nhà máy nhựa đang hoạt động và một nhà máy đang trong quá trình đầu tư, tổng sản lượng hàng tháng hơn 9.000 tấn. Và Công ty Nhựa Hà Nội với 3 nhà máy đã đi vào hoạt động, thế mạnh sản xuất linh kiện ô tô – xe máy cũng như đang thực hiện gia công linh kiện cho các thương hiệu lớn như Samsung và Brother Việt Nam…
Nhựa Hà Nội còn đang nắm trong tay 50% cổ phần Công ty TNHH Linh kiện nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA), gia công chính phần linh kiện ô tô – xe máy cho nhà máy VinFast.
Nhựa An Phát Xanh cũng đã có những bước đi đầu tiên trong việc phát triển KCN, mua lại An Phát Complex và cho thuê rất thành công. Kế hoạch trong năm nay của BLĐ công ty này là nâng tỉ lệ cho thuê lên 100%, cùng với đó là chuẩn bị đầu tư thêm KCN Quốc Tuấn – An Bình 180 ha tại Nam Sách – Hải Dương. Làn sóng đầu tư của khối doanh nghiệp FDI rút khỏi Trung Quốc sau những sự kiện lớn như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 đang được nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản KCN đón đợi.
Và một câu chuyện mới tại APH đã được lên kế hoạch chuẩn bị từ năm 2019, mục tiêu hoàn thành nhà máy nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio vào năm 2022.
Các sản phẩm nhựa của APH hiện có mặt tại Mỹ, Canada và hơn 20 nước Châu Âu. Trong bối cảnh xu thế chuyển đổi sang các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường đang rất mạnh mẽ, nhất là tại các quốc gia phát triển; tiềm năng cho hướng đi mới này được BLĐ Tập đoàn này nhìn nhận và đánh giá cao.
Theo ông Đinh Xuân Cường, trong từ 3 – 5 năm nữa, các sản phẩm thân thiện môi trường có thể chiếm 20 – 30% tổng sản phẩm nhựa trên toàn thế giới. Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc APH cho biết để đón đầu xu hướng này, công ty cần đầu tư nhà máy để có thể tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh.
Thị trường Bắc Mỹ sẽ là điểm đến chiến lược trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn này. Ảnh hưởng của dịch bệnh đến tiến trình triển khai dự án là có, tuy nhiên APH đã có các đối tác có thể hỗ trợ công ty trong việc phát triển thị trường này. Dù chưa có công bố chính thức nào nhưng việc Tổng giám đốc The Asia Group (công ty tư vấn chiến lược) vào HĐQT cũng như là cổ đông APH là những minh chứng cho "cái bắt tay" giữa hai bên.
Trong kế hoạch phát hành huy động vốn năm 2020, APH sẽ dành 15,75 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược. APH kì vọng các tổ chức đầu tư dài hạn có thể hỗ trợ tư vấn thực hiện dự án, bao gồm: kinh nghiệm triển khai, làm việc với nhà thầu, tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, hỗ trợ công nghệ và vận hành…
Với việc chủ động nguyên liệu, APH cho biết trong vòng 5 năm tới, tỉ trọng sản phẩm túi sinh học phân hủy hoàn toàn có thể tăng từ 10% hiện tại đến khoảng 50% trong cơ cấu doanh thu bao bì. Sản phẩm mới cũng có thể giúp cải thiện đáng kể tỉ suất lợi nhuận gộp, 20% so với mức bình quân 14% của bao bì thông thường.