(Tổ Quốc) - Thật cuốn hút, lý thú khi tới Iran - một đất nước bị cấm vận với thời gian khá dài nhưng vẫn tự cường, tự lực xây dựng và phát triển.
Sau hơn 12 tiếng bay nối chuyến, giữa quang cảnh núi đồi trùng điệp đá sỏi hoang mạc khát khô đầy cỏ vàng cháy úa, Iran đã thấp thoáng hiện dần dưới cánh máy bay.
Văn hóa Ba Tư bí ẩn và thanh sạch
Biết chúng tôi đến từ Việt Nam, các bạn Iran đều vồn vã giơ tay chào, hoặc chân thành chìa tay, nắm tay thật chặt với nụ cười thiện cảm. Tối cuối tuần, nhiều quán cà phê rất đông các bạn trẻ Iran ngồi uống cà phê, nước giải khát, tâm sự lành mạnh. Ngay tại thủ đô Teheran sầm uất cũng không hề có các quán Bar, vũ trường, những tụ điểm ca nhạc Rock, Rab, không có các câu lạc bộ nam nữ thanh niên nhảy nhót, hay những khu Phố Tàu (China town) nhộn nhịp như ở nhiều nước khác.
Sau 21 giờ đêm mỗi ngày, những tiếng kinh cầu bổng trầm như hát qua tiếng loa phóng thanh từ các đền thờ Hồi Giáo tạo nên những hợp âm đầy ấn tượng như giục giã mọi người hướng tâm tới đức tin của mình.
Phụ nữ ra đường phải quàng khăn kín tóc, cổ, ngực. Áo lửng dài che kín gối chân. Sinh viên tới trường phải mặc dài che kín mắt cá chân. Những ai vô tình để tuột khăn, hở cổ áo, váy cao… liền có người nhắc nhở. Mới đầu, tưởng như quá hà khắc nhưng sâu sa là cách bảo vệ chị em khỏi bị quấy rối tình dục.
Ở Iran, Luật cho phép người đàn ông có thể lấy tới 4 vợ, nhưng phải được bà cả đồng ý và nếu li dị sẽ phải chia tài sản cho vợ, con và nộp một khoản tiền bồi thường khá lớn. Tuy nhiên ngày nay ở Iran không nhiều đàn ông dám lấy nhiều vợ do tình hình kinh tế cũng như những ràng buộc nếu không muốn khánh kiệt tài sản từ những cuộc hôn nhân này.
Nghệ thuật gốm màu Ba Tư đặc sắc gắn liền với các công trình kiến trúc đền đài tại Iran |
“Con đường Tơ lụa” và “phiên chợ Ba Tư” - nền văn hoá Iran đầy bí ẩn thực sự cuốn hút người yêu mỹ thuật. Khó giấu được sự trầm trồ khi chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc Ba Tư cổ xưa. Nổi bật nhất là chiều cao vời vợi bề thế của những mái tháp như vun vút in lên nền trời. Tiếp nữa là nghệ thuật trang trí tường, vòm trần bằng chất liệu gốm màu với những họa tiết hoa lá truyền thống đạt tới mức tinh xảo, khéo léo, đầy thẩm mỹ, sáng tạo. Bước vào bên trong nội thất, là hệ thống thông gió tự nhiên, không khí hài hòa tạo cảm giác mát lạnh. Ngay trong bóng tối cũng rực rỡ ánh sáng nhờ nghệ thuật trang trí kính màu. Ngoài các khách sạn lớn theo kiến trúc chọc trời hay thấy như các nước, những nhà nghỉ đặc trưng kiến trúc truyền thống Ba Tư bằng tường đất dày trộn rơm và vòm mái hình tháp… Góc phố nào cũng có hòm từ thiện để quyên góp giúp đỡ người già, trẻ em nghèo cô đơn. Cứ vài trăm mét lại có vòi nước mát lạnh, tiệt trùng có thể uống miễn phí.
Trước cả “rừng” thảm Ba Tư treo tường, hay trải sàn thi nhau khoe sắc với đủ các gam màu nóng, lạnh, rực rỡ, thâm trầm… phong phú qua sự kỳ công, tỉ mỉ, khéo léo của nghề dệt thủ công, người sành điệu đến mấy cũng phân vân khó chọn khi đối sánh tấm nào đẹp hơn. Anh Hossenin Amir giải thích: “Ở Iran có hai loại thảm: loại dệt bằng máy công nghiệp và loại dệt bằng tay. Người sành điệu luôn thích mua lại dệt bằng tay. Loại nhỏ và rẻ nhất khoảng vài trăm đô la. Loại to rộng và đặc sắc có giá vài chục ngàn đô la là chuyện thường…”
Các đồ trang sức, quà lưu niệm nơi đây thật phong phú, bắt mắt. Nhiều thợ thủ công có thể ngồi suốt ngày để vẽ bằng tay những họa tiết rất nhỏ với sự đăng đối hoàn chỉnh, tinh vi đạt trình độ thẩm mỹ qua nghệ thuật trang trí đến kính nể. Những người thợ gò đồng với búa và đe gỗ ngồi kiên nhẫn chạm khắc họa tiết dân gian trên những những bình, ấm, khay, đĩa, chén, chậu, bát, chén, trap, hộp… bằng đồng, nhôm rất bắt mắt. Đặc biệt là các phù điêu nổi khắc chữ Ba Tư hoặc viết chữ theo kiểu thư pháp nghệ thuật đủ mọi chất liệu, màu sắc.
Nhiều tấm thảm Ba Tư có giá lên tới hàng trăm triệu đồng Việt Nam |
Đất nước có xăng rẻ hơn nước; thực phẩm, rau củ và trái cây nhiều loại, tươi ngon, đặc biệt không tẩm hóa chất
Xăng khoảng 7.000 đồng Việt Nam một lít, rẻ hơn nước sạch đóng chai.
Tới các địa danh nổi tiếng như: Qazvin, Kashan, Esfahan, Shiraz, Caspian Sea, Alamut… giữa cái nóng mùa hạ hơn 45 độ C như thiêu đốt giữa vùng sa mạc khô cằn, hầu như ở nơi nào tại các khu Bazaar (chợ), khắp đường phố và ngay cả trên xa lộ nắng chang chang cũng đều thấy rất nhiều cửa hàng, xe lưu động chất đầy rau quả, hoa trái phong phú, thơm ngon và rẻ. Rất sẵn các loại rau sạch như: su hào, bắp cải, xà lách, xúp lơ, khoai tây, hành lá, cà chua, bầu, bí…
Hoa quả sạch được bày bán khắp nơi |
Các loại hoa quả thơm ngon như: mận, đào, lê, táo, cherry, nho không hạt, dưa gang, dưa hấu… tươi, ngọt, thơm, sạch và không hề bị tẩm ướp hóa chất, chất bảo quản. Các loại nước ép trái cây thiên nhiên, thơm ngon thì nhiều vô kể. Những sản phẩm tươi sống không bán hết, bạn sẵn sàng thải bỏ vì sức khỏe người dùng. Iran còn là “thiên đường của các loại hạt” phong phú như: hạt điều, hồ đào, hướng dương, óc chó, hạt dẻ cười, nhụy nghệ tây saffron… để tạo màu cho thức ăn và bổ dưỡng. Đặc biệt hơn, giữa khát nóng như lửa ấy, hoa hồng vẫn nở. Do đó, tại Niyasar, có công nghệ chế biến chiết xuất tinh dầu hoa hồng, nước hoa, nước hoa hồng rửa mặt, kem chống nắng… theo công nghệ truyền thống rất được ưa chuộng.
Trái cây thơm ngon giữa cái nóng sa mạc |
Iran có rất nhiều trang trại chăn nuôi bò lấy sữa và chế tạo ra các sản phẩm bơ, pho mát vào loại ngon. Iran có nhiều cơ sở nuôi cá tầm mà con nào cũng nặng vài chục cân, có công nghệ chăn nuôi gà công nghiệp và nuôi vịt sạch ít mỡ bằng lúa mạch. Thực phẩm phong phú dồi dào đủ loại. Chỉ riêng bia, rượu, nước uống có cồn là hầu như cấm tuyệt đối (ngoại trừ “bia đắng” 0 độ cồn) do Iran sản xuất hoặc nhập từ Đức, Nga… có thể “ru êm” cho ai đó đỡ cơn thèm nhậu. Tại các cửa khẩu, hải quan sân bay, bến cảng… đều nghiêm ngặt kiểm tra ngăn cấm việc vận chuyển rượu lậu, ma túy… Người nơi đây không dễ dàng chấp nhận sự lai căng về văn hóa.
Bài và ảnh: Đỗ Lệnh Hùng Tú