• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ít ai biết NSƯT Đăng Dương “xuất thân” từ nghệ sĩ đàn bầu

Văn hoá 08/06/2023 16:51

(Tổ Quốc) - Khán giả biết đến NSƯT Đăng Dương là ca sĩ rất nổi tiếng của dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ… nhưng ít ai biết được anh cũng là nghệ sĩ đàn bầu…

NSƯT Đăng Dương tên đầy đủ là Phạm Đăng Dương, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1974 tại xã Đức Xương, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, là một ca sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ đã từng giành được nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý như Giải thưởng âm nhạc cống hiến… Nhưng cũng ít ai biết được từ năm 1987 đến năm 1997, trong suốt 10 năm Đăng Dương lại theo học đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội và trở thành một "cây" đàn bầu của trường. Tác phẩm đàn bầu: "Vì miền Nam" được Đăng Dương thể hiện trong dịp Nhà trường tổ chức biểu diễn báo cáo thật ấn tượng...

Đến năm 1992, Đăng Dương mới theo học thanh nhạc song song. Hồi đó, giải thích lý do tại sao lại muốn "nhảy" sang thanh nhạc, Đăng Dương nói với tôi (vì khi đó tôi làm giáo viên dạy chính trị ở trường): "Từ nhỏ em đã rất yêu thích sự nghiệp ca hát, từ bảy tuổi em đã nghe và thuộc rất nhiều bài mà các cô chú diễn viên biểu diễn trên Đài Tiếng nói Việt Nam và em ước mơ lớn lên được làm ca sĩ… Năm 1987, theo định hướng của gia đình em làm đơn thi tuyển vào Nhạc viện Hà Nội nhưng khi đó còn nhỏ tuổi không thể vào khoa thanh nhạc được nên em theo học môn đàn bầu của Khoa Âm nhạc truyền thống. Mãi đến năm 1992 khi đã đủ điều kiện theo học thanh nhạc em mới thi và trúng tuyển vào khoa Thanh nhạc của trường".

Ít ai biết NSƯT Đăng Dương “xuất thân” từ nghệ sĩ đàn bầu - Ảnh 1.

Ca sĩ Đăng Dương biểu diễn

Có lẽ do được học nhạc từ khi còn học đàn bầu nên khi vào học thanh nhạc Đăng Dương gặp rất nhiều thuận lợi. Với chất giọng khỏe vang, Đăng Dương rất phù hợp với dòng nhạc thính phòng, dòng nhạc cách mạng… Được NSND Trần Hiếu, NSND Trung Kiên tận tình giúp đỡ nên đến năm thứ hai của trung cấp thanh nhạc, giọng hát của Đăng Dương đã được"phát lộ". Năm 1998, lần đầu tiên trong chương trình Liên hoan Tiếng hát sinh viên, Đăng Dương cùng với các ca sĩ Trọng Tấn, Việt Hoàn ra mắt khán, thính giả thành công với bài hát "Đường chúng ta đi" của nhạc sĩ Huy Du và cũng từ đó bộ ba Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn nhanh chóng giành được một chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu nhạc.

Hồi đó có lần Đăng Dương chia sẻ với tôi: "Lần đầu khi mới xuất hiện trên sân khấu rất nhiều khán giả hỏi em có phải là con trai của ca sĩ Mạnh Hà không? Vì họ cho rằng em có cặp mắt và phong cách biểu diễn giống với ca sĩ Mạnh Hà, thật vui thầy ạ".

Năm 2000, Đăng Dương tốt nghiệp đại học thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội và trở thành giảng viên dạy khoa thanh nhạc cùng Trọng Tấn, Anh Thơ… Sau đó Đăng Dương chuyển về Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trong sự nghiệp ca hát của mình Đăng Dương luôn trung thành với dòng nhạc cổ điển và nhạc cách mạng. Những ca khúc cách mạng kinh điển được ca sĩ Đăng Dương thể hiện đã đi vào lòng khán giả trong những suốt những năm tháng đầu của thế kỷ 21 như: "Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác"; "Việt Nam quê hương tôi"; Hát về cây lúa hôm nay"; Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn"… Nhưng có lẽ ca khúc: "Hà Nội niềm tin và hy vọng" đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả bởi sự hoành tráng của Thủ đô trong Một thời đạn bom, một thời hòa bình

Ít ai biết NSƯT Đăng Dương “xuất thân” từ nghệ sĩ đàn bầu - Ảnh 2.

Ca sĩ Đăng Dương

Đăng Dương là người rất trung thành với dòng nhạc cổ điển, nhạc cách mạng, trong khi nhiều đồng nghiệp và bạn bè của anh lần lượt những dự án kết hợp với những ca sĩ dòng nhạc đương đại. Đăng Dương tự nhận mình "lười" và lý giải rằng không phải ca khúc nào cũng phù hợp với giọng ca của mình cũng như không phải ca sĩ nào anh cũng có thể kết hợp được. Đăng Dương thừa nhận rằng anh chưa bao giờ thử hát nhạc nhẹ, hoặc nếu có thì cùng lắm là bản nhạc bán cổ điển. Đối với nhạc truyền thống và nhạc đỏ, anh cũng rất thận trọng trong việc phá cách vì theo Đăng Dương, thể loại nhạc này mang tính chuẩn mực cao và việc làm mới chúng rất khó.

Đặc biệt, trong thời kỳ ứng dụng kỹ thuật số, Đăng Dương luôn là người đi tiên phong trong lĩnh vực này. Trước những tiện ích của âm thanh kỹ thuật số, anh luôn luôn tìm tòi để vận dụng vào công việc chuyên môn nhằm mang đến cho khán giả những băng đĩa có chất lượng tốt nhất và hiện đại nhất. Với vai trò trưởng đoàn ca nhạc mới của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh luôn khuyến khích anh chị em trong Đoàn ứng dụng những tiện ích tiến tiến này.

Chính vì khám phá được những tiện ích kỹ thuật số trong âm nhạc mà Đăng Dương rất chịu khó mày mò học hỏi để nâng cao kiến thức về việc vận dụng âm thanh trong kỹ thuật số trong thời kỳ cách mạng 4.0 để đáp ứng được sự kỳ vọng của khán, thính giả nghe đài.

Đăng Dương một ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc thính phòng, nhạc cách mạng được nuôi dưỡng bằng âm nhạc truyền thống từ bé đang được khán thính giả rất yêu thích, anh cũng thường xuyên được mời biểu diễn trong các sự kiện lớn của đất nước và hiện nay với vai trò Đoàn trưởng Đoàn ca nhạc mới của Đài Tiếng nói Việt Nam, anh đang tiên phong trong thời kỳ chuyển đổi số với mục đích cuối cùng là mang đến cho khán giả những tác phẩm âm nhạc hay nhất và sống động nhất.

Trần Anh Tuấn

NỔI BẬT TRANG CHỦ