• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay

Thực hiện: Đức Thảo | 06/11/2024

(Tổ Quốc) - Nằm giữa cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, thác Yang Bay hút nhiều khách du lịch khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa Raglai cùng người dân địa phương.

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 1.

Cách TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 35km về phía tây, tại Công viên du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh) có ba khu thác, trong đó Yang Bay là thác chính, bắt đầu từ đỉnh Gia Kang cao 80m, kéo dài 2km, bên cạnh hai thác nhỏ là Yang Khang và Ho-Cho.

Chị Ngọc Mai, 32 tuổi, du khách từ Hà Nội lần đầu tiên đến thác Yang Bay, cho biết thác hoang sơ, phù hợp cho người yêu khám phá. “Nhìn từ xa, thác Yang Bay như dải lụa trắng, ngâm mình trong làn nước dưới chân thác giúp bạn gột rửa hết những mệt mỏi thường ngày”, chị Mai chia sẻ.

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 2.

Xúng xính trong trang phục truyền thống Raglai, Chiêu Phích (đứng giữa) vừa biểu diễn điệu múa của đồng bào mình, vừa kể lịch sử dòng thác Yang Bay cho du khách. Cô gái 21 tuổi nói rằng theo tiếng Raglai, Yang Bay có nghĩa là "thác trời", Yang Khang có nghĩa là "con trời" và Ho-Cho có nghĩa là "thác mẹ".

“Vào mùa nước đổ, thác nước như suối tóc của người thiếu nữ chảy dài miên man”, Phích ví von, dòng thác là minh chứng cho chuyện tình giữa nàng tiên giáng trần và chàng tiều phu người Raglai. Thác Yang Bay tuôn chảy cho đến ngày nay, đó là mạch nguồn sự sống của muôn loài,...

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 3.

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 4.

Từ năm 2003, Công viên du lịch Yang Bay đi vào hoạt động, trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Raglai nơi đây.

Trong khuôn viên khu du lịch, cổ thụ ba gốc hơn 500 năm tuổi nằm ngay dưới chân đồi Phượng Hoàng, được đồng bào Raglai nơi đây gọi tôn kính là Mộc thần, do 2 cây da và 1 cây sanh quấn lấy nhau, tượng trưng cho 3 dòng thác Yang Bay, Yang Khang và Ho-cho.

Những cành và thân chính, thân phụ liên kết, nối chặt tạo một thế đứng vững chãi cho cổ thụ qua hàng thế kỷ, như một vị thần canh giữ khu rừng, bảo vệ và ban phúc cho dân làng. Phần gốc Mộc thần phải 20 người ôm mới xuể, tán rộng trên 200m2, che mát cả một không gian rộng lớn. Đặc biệt, người Raglai tương truyền rằng, những ai viết điều ước vào dải lụa rồi treo lên những tán cây thì mọi điều mong ước đều sẽ thành hiện thực.

Hiện, Công viên du lịch Yang Bay đang tạo việc làm cho hơn 30 người đồng bào Raglai tại địa phương, chiếm 1/3 số lao động của khu du lịch này. Cùng với Phích, hơn 10 người đồng bào Raglai khác đang trực tiếp tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách khi đến với thác Yang Bay.

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 6.

Nghệ nhân Cao Dy (bên trái), 48 tuổi, được xem là thủ lĩnh đội văn nghệ Raglai tại Yang Bay bởi thuần thục nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình như đàn đá, đàn chapi, mã la, đàn goong, sáo tacung,... và các làn điệu dân ca, hát múa dân gian.

Theo ông Dy, các loại hình văn nghệ dân gian của người Raglai đa dạng và đặc sắc, song trước những tác động của nhịp sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống ấy đang dần bị mai một. “Được làm việc đúng với sở thích, nhưng quan trọng hơn hết là tôi có cơ hội lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Góp phần bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống tới người trẻ”, ông Dy nói.

Hai mươi năm qua, đội văn nghệ Raglai ở Yang Bay đã có hàng nghìn lượt biểu diễn cho du khách thưởng thức. Không những thế, các đội viên còn tự học hỏi, nâng cao vốn hiểu biết về văn hóa của đồng bào mình, truyền dạy cho đội ngũ kế cận với mong muốn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quý giá của dân tộc.

Kể chuyện văn hóa Raglai dưới dòng thác Yang Bay - Ảnh 7.

Khánh Vĩnh là một trong hai huyện tập trung đông người dân tộc Raglai nhất ở tỉnh Khánh Hòa, với hơn 17.000 người Raglai, chiếm trên 48% dân số của huyện.

Ông Lê Dũng Lâm - Giám đốc Công ty du lịch Yang Bay cho hay, bởi khu du lịch tọa lạc tại nơi có nhiều đồng bào Raglai sinh sống, đơn vị luôn xác định cần gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa.

“Chúng tôi đã trăn trở với điều này ngay từ thời điểm thành lập”, ông Lâm nói, đơn vị đã đi vận động bà con đồng bào Raglai, nhất là những người trẻ có năng khiếu văn nghệ để đào tạo, nhờ đó giữ được “hồn” của văn hóa Raglai qua từng thanh âm của nhạc cụ, từng tiếng hát và từng điệu múa.

Ông Lâm cho rằng, dù trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí, nhưng điều để lại trong lòng du khách nhất là nét văn hóa bản địa. "Không chỉ được thưởng thức những tiết mục đặc sắc bởi các chàng trai, cô gái Raglai, du khách còn hòa vào đội múa như những vũ công thực thụ. Thông qua đó, chúng tôi mong muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai đến gần hơn du khách, góp phần quảng bá thêm nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam trong lòng du khách trong và ngoài nước”, ông Lâm khẳng định./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ