(Tổ Quốc) - Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý nợ Đa phương (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại ) cho biết, khoản tiền 16 triệu USD dành cho cấu phần biên soạn sách giáo khoa mà dư luận đang quan tâm thực ra vẫn chưa rút vốn.
Theo nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ thực hiện "mộ trương trình, nhiều bộ sách giáo khoa", trong đó, triển khai biên soạn một bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới với số tiền dự kiến là 16 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đến thời điểm này, về cơ bản mục tiêu xã hội hóa làm sách giáo khoa như Nghị quyết 88 đặt ra đã đạt được. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 5 bộ sách lớp 1 của 3 nhà xuất bản được công nhận đạt chuẩn. Dù vậy, kế hoạch làm sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra trước đó đã "phá sản".
Lý do được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là do không tuyển chọn đủ ứng viên tham gia biên soạn sách. Hiện Bộ đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ về việc không biên soạn bộ sách giáo khoa nữa mà thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho biết, theo dự kiến, 16 triệu USD này ngoài dùng để biên soạn sách giáo khoa còn có nhiều công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu; tập huấn gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; hỗ trợ các vùng khó khăn…
"Số tiền thiết kế 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được Ngân hàng Thế giới giải ngân. Chứ không phải là Bộ GD-ĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm sách giáo khoa thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới", ông Thành phân tích với VietnamNet.
Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý nợ Đa phương (Cục Quản lý nợ vài Tài chính đối ngoại) khẳng định, khoản tiền 16 triệu USD dành cho cấu phần biên soạn sách giáo khoa mà dư luận đang quan tâm thực ra vẫn chưa rút vốn.
Cũng theo ông Nghĩa, Bộ Tài chính là đơn vị trực tiếp vay chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ là đơn vị sử dụng số tiền này. Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị vay thì Ban Quản lý của Bộ Tài chính sẽ có đơn rút vốn gửi cho Ngân hàng Thế giới để rút vốn sử dụng cho dự án. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa đề nghị vay và Bộ Tài chính vẫn chưa có đơn rút vốn.
"Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng đến số tiền đó thì có thể xảy ra hai phương án: Một là sử dụng số tiền đó cho việc khác, hai là trả lại. Nhưng ở đây chưa rút vốn nên không phải trả lại gì cả", ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Như vậy, khoản tiền 16 triệu USD này hiện vẫn chưa rút vốn nên chưa giải ngân. Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, do không làm sách giáo khoa nữa nên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tái cơ cấu sang các đầu việc khác. Hiện tại, Bộ vẫn tiếp tục đàm phán với Ngân hàng Thế giới đến ngày 6/12 này.
Về việc sử dụng số tiền 16 triệu USD cho việc khác, trao đổi với báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao, Học viện Tài chính cho rằng, về nguyên tắc, không thể có chuyện đơn vị được cấp vốn sử dụng các khoản vay ODA, đặc biệt là của Ngân hàng thế giới để sử dụng một cách tự do.
Trong trường hợp, số vốn vay sử dụng không hết khi triển khai dự án, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, đơn vị sử dụng vốn phải có giải trình đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho phép thay đổi mục đích sử dụng và chỉ có thể được tiến hành khi Chính phủ và Ngân hàng thế giới đồng ý.