(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Hình minh họa: Nguồn Báo Hà Nội mới |
Nội dung Kế hoạch gồm: 1- Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP; 2- Thành lập, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và bố trí trụ sở, trang thiết bị của Bộ phận Một cửa các cấp; 3- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; 4- Tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này.
Trong đó, UBND các cấp sẽ tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả) tại Bộ phận Một cửa.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh triển khai nhân rộng phần mềm một cửa điện tử thống nhất đối với các bộ, cơ ngang bộ, UBND cấp tỉnh chưa bảo đảm về chức năng, tính năng kỹ thuật, yêu cầu kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ và ban hành quy chế hoạt động.
Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia; thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia và ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng, ban hành Kế hoạch của Bộ, cơ quan, địa phương mình; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này, lồng ghép trong báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa theo hướng nâng cao tỷ lệ thực hiện tại chỗ việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả, bảo đảm tại Trung tâm phục vụ hành chính công thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 20% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ; tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết cấp huyện thực hiện tại chỗ đối với tối thiểu 50% thủ tục hành chính thường xuyên phát sinh hồ sơ.