• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Du lịch 25/02/2025 20:10

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 382/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch nhằm xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm bố trí, phân bổ nguồn lực của Nhà nước cũng như thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp trong Quy hoạch hệ thống du lịch.

Thiết lập khung kết quả thực hiện theo từng giai đoạn làm cơ sở để rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch; xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra.

Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo, trên nền tảng tăng trưởng xanh, đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam...; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Kế hoạch phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành địa phương theo chức năng, nhiệm vụ; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, chương trình, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đã đề ra.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh 1.

Về nội dung kế hoạch thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ, các dự án được triển khai trên nguyên tắc phù hợp với các định hướng phát triển của đất nước; với quan điểm, mục tiêu, định hướng đề ra trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Trên cơ sở định hướng tổ chức không gian lãnh thổ du lịch, định hướng phát triển thị trường, sản phẩm du lịch, xác định các dự án lớn, có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước, theo vùng để ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.

Tập trung đầu tư các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch

Đối với dự án đầu tư công, các dự án ưu tiên đầu tư của ngành du lịch được đề xuất trong quy hoạch được phân thành các nhóm dự án về: Chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển thương hiệu; bảo tồn phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường..., dự án có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, tạo đột phá cho phát triển du lịch gắn với hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, các trung tâm du lịch, hệ thống các Khu du lịch quốc gia và các hành lang kết nối phát triển du lịch để thúc đẩy, lan tỏa phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên các vùng và cả nước.

Tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư cho các hạng mục kết cấu hạ tầng trong các khu, điểm du lịch (đặc biệt là các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận); xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch và nghiên cứu ứng dụng công nghệ.  

Hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu ở tầm quốc gia và cấp vùng; phát triển sản phẩm mới; phát triển nguồn nhân lực...  

Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia

Đối với dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, việc triển khai các dự án phải đảm bảo nguyên tắc: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng ưu tiên phát triển hệ thống du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để tổ chức thu hút các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công đầu tư phát triển hệ thống du lịch theo các quy hoạch, kế hoạch bảo đảm hiệu quả và đúng quy định.

Loại hình dự án quan trọng dự kiến ưu tiên:

- Khu vực tư nhân là nguồn lực chính tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu và các công trình hạ tầng chức năng thuộc các khu, điểm du lịch.  

- Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, tập trung vào các hạng mục: hệ thống hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch; hệ thống hạ tầng trong các khu, điểm du lịch; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

- Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, tập trung vào các hạng mục: đầu tư phát triển hệ thống thương hiệu du lịch Việt Nam, hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đa dạng; ưu tiên các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc sắc theo vùng, miền và dựa trên bản sắc văn hóa Việt Nam và thế mạnh về sinh thái, văn hóa các vùng miền; phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch gắn với các loại hình du lịch tạo sự đồng bộ, hiện đại, tiện nghi trong các khu du lịch, điểm du lịch.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, tập trung vào các hạng mục: nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; đầu tư cho cơ sở đào tạo du lịch, xây dựng các chuẩn kỹ năng và đào tạo theo chuẩn trình độ, nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư cho đào tạo nhân lực bậc cao, nhân lực quản lý; ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực du lịch vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

- Đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá, tập trung vào các hạng mục: tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch liên vùng, liên địa phương; quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông đa phương tiện; phát triển marketing điện tử trên nền tảng số; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển các ứng dụng quảng bá du lịch; sản xuất ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến, quảng bá du lịch.  

- Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, tập trung vào các hạng mục: tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh và di sản thế giới; khôi phục nghề thủ công truyền thống; bảo vệ môi trường du lịch; lồng ghép với các chương trình dự án đầu tư bảo vệ, tôn tạo di tích, môi trường...

Tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch

Về xác định nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ các nguồn: (i) vốn khu vực nhà nước: nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; (ii) vốn khu vực ngoài nhà nước: nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). 

Đồng thời, có cơ chế phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch. 

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ