(Tổ Quốc) - Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững” diễn ra sáng 13/12, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu thực trạng, năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực.
Năng suất lao động của Việt Nam dù đã được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực và thấp so với nhu cầu phát triển. Năm 2017, năng suất lao động của toàn nền kinh tế đã tăng 5,87%, cao hơn mức tăng 5,29% của năm 2016, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.
Toàn cảnh Diễn đàn Phát triển Việt Nam. |
Trong khi đó, tăng năng suất lao động đang ngày càng đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Minh chứng là yếu tố này đã đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP năm 2017, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990 - 2000 và 61,9% giai đoạn 2000 - 2012. Những con số biết nói đó cho thấy, không tăng nhanh năng suất lao động, Việt Nam không thể nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực. So với Malaysia, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 6 lần, thấp hơn Singapore xấp xỉ 15 lần, thấp hơn Thái Lan xấp xỉ 3 lần...
Nguyên nhân, theo TS. Nguyễn Đình Cung là do bế tắc trong chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, không có chuyển dịch nguồn lực từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân chính thức, không có chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức (nghĩa là nguồn lực không được chuyển dịch từ khu vực kinh tế kém hiệu quả sang khu vực có hiệu quả cao hơn)...
“Tốc độ gia tăng giá trị của kinh tế tư nhân chính thức tương đối cao, liên tục cải thiện trong các năm gần đây nhưng không thu hút thêm lao động, không tạo thêm công ăn việc làm tương xứng. Khu vực kinh tế nhà nước hiệu quả thấp nhưng quy mô kinh tế nhà nước không giảm đáng kể. Doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng vốn cao, năng suất vốn lại thấp nhất trong khu vực và thâm dụng vốn không gắn với đầu tư đổi mới công nghệ...”, TS. Nguyễn Đình Cung phân tích.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn. |
Cũng theo người đứng đầu CIEM, vùng Hà Nội và TP HCM có kinh tế quy mô, có mật độ kinh tế, có đủ nhân lực... nhưng không thể bứt phá thành đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế.
Đó là những nghịch lý trong nền kinh tế mà nguyên nhân là do mực độ thị trường của nền kinh tế còn thấp, ít được cải thiện trong thời gian qua, thể hiện ở thị trường các yếu tố sản xuất còn kém phát triển và méo mó, thị trường chưa phải là nhân tố chủ yếu trong huy động và phân bổ sử dụng nguồn nhân lực trong nền kinh tế, giá của các yếu tố sản xuất (lãi suất, tiền lương, giá quyền sử dụng đất...) chưa hình thành theo quan hệ cung – cầu thị trường và còn bị chi phối bởi các quyết định hành chính...
“Từ năm 2018, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm (cao hơn 1,25% điểm % so với giai đoạn 2011-2017) thì mới đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Đây thực sự là một thách thức lớn”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Thời điểm buộc phải tăng năng suất
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn. |
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Việt Nam vẫn còn dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế. Ngoài ra, phải phân bổ lại nguồn lực, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi cơ cấu nội ngành để tăng năng suất nội ngành của nền kinh tế...
“Có như vậy, nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng năng suất lao động trên 6% trong nhiều năm tiếp theo, qua đó, đạt tăng trưởng GDP trên 7%/năm, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định.
Tại Diễn đàn, một số đối tác nước ngoài cũng chia sẻ rằng, tăng trưởng trong quá khứ của Việt Nam dự trên số lượng (với đầu vào là vốn và lao động) mà không phải do chất lượng. So với các nền kinh tế tăng trưởng tốt tại khu vực, chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện về cả tư duy và năng lực.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chia sẻ giải pháp rằng, Việt Nam cần xác định động lực đúng đắn để tăng cường hiệu suất phân bổ nguồn lực. Cụ thể, phải có thể chế thị trường hiệu quả, bao gồm thị trường các yếu tố sản xuất (đất đai và vốn) và cơ chế về cạnh tranh. Ngoài ra, phải tạo lập được môi trường pháp quy hiện đại, hài hoà với các chuẩn mực quốc tế (về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật...) đồng thời cải thiện thực thi và quản lý nhà nước.
Về thương mại dịch vụ, phải cải cách chính sách phức tạp, kết hợp các chính sách...
“Cần tái định hình các chinh sách về đổi mới sáng tạo, công nhận vai trò quan trọng các yếu tố bổ trợ trong đổi mơi sáng tạo, năng lực doanh nghiệp là yếu tố bổ trợ chủ chốt, trong đó năng lực của chính quyền cũng cần được tính đến...”, vị chuyên gia kinh tế trưởng khuyến cáo và cho rằng, đây là nghị trình chính sách lựa chọn cho Việt Nam để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất trong tương lai./.
Hà Giang
Ảnh: Nam Nguyễn