(Tổ Quốc) - Ngày 26/01, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Xuân Hà Nội" do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tham dự buổi lễ.
Triển lãm được tổ chức nhân dịp chào đón Xuân Giáp Thìn 2024 và kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2024), hướng tới chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 36 tác phẩm về chủ đề Xuân Hà Nội chọn lọc từ Bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và dòng tranh dân gian Hàng Trống – dòng tranh cổ truyền, đặc trưng của Hà Nội.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: Mùa xuân Hà Nội là một nét đặc trưng riêng có, là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ đã từng sống và gắn bó với Hà Nội, hay dù chỉ một lần dừng chân trên mảnh đất thiêng liêng lắng hồn núi sông ngàn năm này. Có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về mùa xuân của các nghệ sĩ đã đi vào tâm thức của mỗi người khi nhắc về Hà Nội. Riêng với nghệ thuật tạo hình, không khí, cảnh sắc, sự giao hòa của mùa xuân Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ sáng tác. Mạch nguồn đó chưa bao giờ ngưng nghỉ, như bốn mùa luân chuyển trong một năm, như cuộc sống luôn vận động, phát triển, sinh sôi.
Đến với triển lãm, công chúng sẽ được thưởng thức những nét đẹp truyền thống của người dân Thủ đô như đi chợ hoa, đi chợ Tết, bày mâm ngũ quả… hiện lên rõ nét thông qua sự thể hiện của danh họa Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu. Thời khắc giao thừa thiêng liêng được miêu tả sinh động qua các tác phẩm của danh họa Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Việt Hải. Ngày xuân - du xuân, vãn cảnh, lễ chùa với những địa danh nổi tiếng của thủ đô Hà Nội trong không khí đón xuân được các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Nghĩa Duyện, Nguyễn Trọng Kiệm tái hiện qua các tác phẩm như: Phố, Làng hoa Ngọc Hà, Gò Đống Đa, Văn Miếu, Chùa Láng, Hội đền Phù Đổng... Chùa Láng, Hội đền Phù Đổng... Qua ngôn ngữ tạo hình, các tác phẩm đã thể hiện thành công cảnh sắc tươi đẹp của xuân Hà Nội.
Điểm đặc biệt trong triển lãm lần này là áp dụng hình thức trưng bày đồ họa kỹ thuật số, trình chiếu, mapping. Theo Giám đốc Công ty TNHH CMYK Việt Nam Phạm Trung Hưng, việc trưng bày các tác phẩm bản gốc kết hợp với kỹ thuật đồ họa, trình chiếu mapping sẽ mang đến cho công chúng một sự trải nghiệm mới, hiệu ứng thị giác mới. Đồng thời tiếp tục khai thác tính ưu việt của công nghệ số trong việc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật; đưa ra các giải pháp phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật. Đặc biệt, các tác phẩm quý, bảo vật quốc gia sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và tiếp cận rộng rãi với công chúng yêu nghệ thuật, trong nước và quốc tế.
"Các triển lãm mỹ thuật thông thường hiếm khi ứng dụng các công nghệ 3D mapping hay các công nghệ về hình ảnh. Nhưng tại "Xuân Hà Nội", sự kết hợp độc đáo này hứa hẹn sẽ tạo cảm xúc mạnh mẽ cho công chúng bởi khách tham quan có thể sử dụng màu sắc phủ lên người để hòa mình vào trong tranh, hoặc nhập vai trở thành nhân vật chính trong tác phẩm" - ông Phạm Trung Hưng nói.
Chia sẻ về triển lãm, NSND Vương Duy Biên cho biết: Đề tài mùa xuân luôn là ý tưởng được rất nhiều họa sĩ yêu thích. Những bức tranh được trưng bày trong triển lãm sẽ phần nào lưu giữ được những cảm xúc thật sự của người nghệ sĩ mỗi dịp Tết đến xuân về. Qua việc thưởng thức tranh, giới trẻ sẽ hiểu và yêu hơn những truyền thống văn hóa ngày Tết; từ đó cùng chung tay gìn giữ và bảo tồn những nét đẹp thiêng liêng này. Việc kết hợp công nghệ trình chiếu mapping cũng đã tạo cách tiếp cận nghệ thuật mới cho công chúng, đặc biệt các bạn trẻ - những người sống trong thời đại công nghệ số.
Đến tham quan triển lãm, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn chia sẻ: "Khi bước vào phòng trưng bày triển lãm, tôi đã cảm nhận được không khí của mùa xuân, của Tết Nguyên đán đang đến gần. Tết cổ truyền là một trong những ngày lễ lớn nhất của dân tộc Việt Nam và Trung Quốc, nhất là thời gian qua, Liên Hợp Quốc đã đưa Tết Nguyên đán trở thành một trong 10 ngày nghỉ lễ của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2024. Qua đó, đã thể hiện được tính đa dạng và ý nghĩa văn hóa của ngày lễ quan trọng này. Cá nhân tôi, đã có nhiều năm đón Tết ở Việt Nam nhưng mỗi năm tôi đều có những phát hiện mới về phong tục đón Tết nơi đây. Khi xã hội đã có nhiều thay đổi nhưng người Việt Nam vẫn luôn giữ được những giá trị truyền thống của dân tộc trong ngày Tết như: Đi chợ mua hoa, bày mâm ngũ quả, sum họp gia đình….. Điều đó cho thấy, người Việt luôn có tinh thần yêu nước và trân quý những giá trị văn hóa của ông cha để lại".
Trong không khí đón xuân tươi vui ngập tràn, ước mong mùa xuân đem đến nhiều niềm vui, cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà, triển lãm như một lời chúc tốt đẹp nhất, một chuyến du xuân an lành, may mắn đầu năm gửi tới công chúng.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 25/02/2024 tại tầng 1 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội./.