(Tổ Quốc) - Ba chuyến xe với tổng 27 tấn vải thiều từ Bắc Giang vận chuyển về Hà Nội trong ngày 4/6 đã được Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội kết nối, hỗ trợ tiêu thụ tại 2 điểm bán hàng lưu động trên tuyến đường Vũ Trọng Phụng.
Thực hiện Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường trong nước, trong ngày 4/6, lực lượng QLTT Hà Nội đã phối kết hợp thu mua, mở các điểm bán hàng lưu động, hỗ trợ nông dân Bắc Giang tiêu thụ quả vải thiều.
Ông Kiều Đình Cảnh - Đội trưởng Đội QLTT số 12, Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong ngày lực lượng đã phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thu mua 2,5 tấn vải thiều Bắc Giang, đưa về Hà Nội tiêu thụ thông qua 2 điểm bán hàng lưu động trên tuyến đường Vũ Trọng Phụng.
Trước đó, để vận chuyển được 3 xe tải vải, tương đương với hơn 27 tấn hàng hóa từ Bắc Giang về Hà Nội, Đội QLTT số 12 đã phối hợp với Cục QLTT Bắc Giang cùng các doanh nghiệp, Sở, ban ngành liên quan làm việc, trao đổi để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông hàng hóa.
"Tất cả người và xe chở vải từ vùng dịch Bắc Giang đều được phun khử khuẩn. Lô vải có xuất xứ từ vùng trồng an toàn dịch bệnh Covid-19. Lái xe có kết quả xét nghiệm Sars-CoV-2 âm tính trong ngày 2/6", ông Kiều Đình Cảnh thông tin và cho biết, lô vải hôm nay, được bán ra với nhiều mức giá từ 12.000 đồng/kg, đến 25.000 đồng/kg và 30.000đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng của quả vải.
"Với nhiệm vụ mới vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao, chúng tôi tập trung thu mua nông sản đang vào đỉnh vụ, hỗ trợ bà con nông dân tại tỉnh Bắc Giang, nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, cũng như góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19" ông Cảnh cho biết thêm.
"Ngoài hỗ trợ, kết nối tiêu thụ vải giúp bà con vùng, công chức, người lao động Cục QLTT Hà Nội còn tham gia mở điểm bán hàng lưu động, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con. Toàn bộ công chức, viên chức khi tham gia hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển nông sản, hàng hóa đều tuân thủ nghiêm ngặt và đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch Covid-19", Đội trường Đội QLTT số 12 Kiều Đình Cảnh nhấn mạnh.
Trực tiếp có mặt tại các điểm bán hàng lưu động, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, việc tổ chức kết nối doanh nghiệp với người dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều là hoạt động thiết thực của đơn vị trong việc triển khai Chỉ thị 08/CT-BCT.
Theo đó, Cục QLTT các tỉnh, thành phối hợp với các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT… tạo điều kiện, khuyến khích, yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tăng điểm bán hàng và sản lượng tiêu thụ nông sản, nhất là những mặt hàng có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang…
"Cục QLTT Hà Nội phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh thuốc Tây tại Trung tâm kinh doanh dược phẩm Hapulico mở các điểm bán vải Bắc Giang tại quận Thanh Xuân và Đống Đa, dự kiến, mức tiêu thụ trung bình từ 10-15 tấn vải/ngày" Phó Cục trưởng Cục QLTT thông tin.
Ngoài việc xếp hàng mua trực tiếp tại các điểm bán vải thiều, khách hàng còn đặt hàng qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo. Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang của Tổng cục QLTT đã được lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của người dân Thủ đô.
Những ngày tới, lực lượng QLTT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động kết nối, kêu gọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh chung tay tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Giang, Hải Dương", ông Nguyễn Minh Hùng Chia sẻ.
Trước đó, trong công văn báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Công Thương về tình hình triển khai Chỉ thị 08/CT-BCT, Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục đã làm việc với Tổng cục Bưu điện Việt Nam (VNPost) để trao đổi Chương trình hỗ trợ tiêu thụ 3.000 tấn vải thiều Bắc Giang.
Chương trình được triển khai bằng hai hình thức, bán hàng trực tiếp và bán hàng trực tuyến. Ngay sau khi Chương trình này được công bố, rất nhiều Cục QLTT các địa phương đã vào cuộc, chung tay hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản giúp người dân vùng dịch.