(Tổ Quốc) - Đoàn tàu chặng Huế - Đà Nẵng và ngược lại mang tên “Kết nối di sản miền Trung” chính thức lăn bánh từ ngày 26/3 không những phục vụ việc đi lại của du khách mà còn gợi lại câu chuyện về liên kết du lịch giữa các địa phương…
Việc đưa vào khai thác đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của UBND TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Hơn nữa, đây là sản phẩm mới, mở đầu cho những sản phẩm kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch mà Đường sắt Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới.
Điểm "check-in di động"
Có mặt trên chuyến tàu HĐ4 xuất phát tại Ga Đà Nẵng lúc 15 giờ, dự kiến đến Ga Huế lúc 17 giờ 45 ngày 11/4, chị Hoàng Nam Phương (36 tuổi, trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) bày tỏ sự hào hứng khi di chuyển bằng tàu qua đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" và check-in, chụp ảnh vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
"Mình thường di chuyển chặng Đà Nẵng - Huế và ngược lại bằng phương tiện ô-tô. Nay có tàu "Kết nối di sản miền Trung", mình chuyển qua di chuyển bằng tàu để vừa bảo đảm an toàn hơn, vừa thong thả chụp ảnh, check-in những cảnh đẹp trong hành trình", chị Phương nói.
Bà Nguyễn Phương Mai (60 tuổi, trú phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng đoàn giáo viên nghỉ hưu đi trên chuyến tàu HĐ1 xuất phát tại Ga Huế lúc 7 giờ 45 ngày 12/4, đến Ga Đà Nẵng lúc 10 giờ 35.
Bà Mai cho biết, cả đoàn cựu giáo viên từ Hà Nội đi du lịch các tỉnh miền Trung bằng tàu. Sau khi nghỉ ngơi, tham quan TP. Huế 2 ngày, đoàn tiếp tục di chuyển bằng tàu đến TP. Đà Nẵng. "Chúng tôi vừa ngắm cảnh qua ô cửa kính của tàu, vừa chụp ảnh cho nhau. 10 phút tàu dừng ở Ga Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng đủ để chúng tôi lưu giữ thêm những kỷ niệm trong hành trình này", bà Mai chia sẻ.
Tại toa sinh hoạt cộng đồng - nơi bày biện các món bánh trái xứ Huế như bánh ít, bánh lọc, bánh nậm, chả lụa, nem, xôi bắp… cùng các loại thức uống, một du khách Mỹ nói: "Tôi đã có trải nghiệm du lịch thú vị với hành trình 100km. Hướng dẫn viên du lịch đã giải thích rằng chúng tôi di chuyển trên cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Quả thật, cảnh sắc trên cung đường tuyệt đẹp".
Đôi tàu mang số hiệu HĐ1-2 và HĐ3-4 giữa Huế - Đà Nẵng có tên gọi "Kết nối di sản miền Trung" do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp cùng chính quyền hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tổ chức gồm 5 toa ghế mềm điều hòa hiện đại, 1 toa sinh hoạt cộng đồng với không gian âm nhạc cung đình Huế.
Theo thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, từ ngày 26/3 đến 4/4, chặng Huế - Đà Nẵng có 19 chuyến tàu với hơn 2.800 lượt hành khách, chặng Đà Nẵng - Huế cũng có 19 chuyến tàu với hơn 2.700 lượt hành khách. Giá vé 150.000 đồng/lượt cho toàn tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại.
Hôm khai trương đoàn tàu vào ngày 26/3, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định: Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" không chỉ là sản phẩm thiết thực, hấp dẫn, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện với du khách, giúp giảm áp lực cho lưu thông đường bộ, thu hút du khách quốc tế trong hành trình du lịch di sản 3 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Một hành trình - 3 điểm đến
Việc liên kết du lịch giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam với thông điệp "Một hành trình - 3 điểm đến" được đề cập từ nhiều năm trước. Ba địa phương nối liền với chiều dài chỉ vài trăm cây số nhưng có đầy đủ điều kiện trở thành một trung tâm động lực phát triển du lịch của cả nước. Bởi lẽ, 3 tỉnh/thành phố này đều hội tụ những tinh hoa văn hóa của các miền di sản, từ Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Việt Nam, đến những bãi biển trải dài của Đà Nẵng, phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn của Quảng Nam.
Đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" được đưa vào khai thác gợi lại câu chuyện liên kết du lịch giữa 3 địa phương với "Một hành trình - 3 điểm đến". Bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, đoàn tàu là một sản phẩm du lịch đặc thù của miền Trung nhằm đa dạng hóa nguồn khách, tìm kiếm nguồn khách trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao. Đây là sản phẩm của sự liên kết phát triển du lịch giữa ba địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và ngành Đường sắt Việt Nam trong hành trình khám phá di sản miền Trung.
"Tàu "Kết nối di sản miền Trung" góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, giảm áp lực du lịch hàng không; đồng thời khai thác lợi thế của ngành đường sắt và đường bộ với phương án di chuyển an toàn, thoải mái cho hành khách. Việc đưa vào khai thác hai đôi tàu này được kỳ vọng là sản phẩm mẫu cho du lịch đường sắt trong thời gian tới", bà An lý giải thêm.
Ngày 29/3 vừa qua, trong khuôn khổ buổi công bố kích cầu thu hút du khách đến Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố này cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Mặt trời đã ký kiết biên bản hợp tác về việc đồng hành phát triển sản phẩm du lịch tàu hỏa "Wow Train" gắn với trải nghiệm của du khách, giúp khách đi tàu thêm yêu cảnh sắc Việt và đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng sự vào cuộc của Tổng Công ty Đường sắt và cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến", bà Nguyễn Thị Hoài An nói.
Ngoài ra, để quảng bá cho đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch sơn mới một toa tàu mang hình ảnh đặc trưng của du lịch của TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trong tương lai sẽ có phân khúc tàu du lịch hạng sang, hướng đến kết nối nhiều địa phương và nhiều vùng miền hơn.
Quảng bá ẩm thực và văn hóa Huế
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, bà Nguyễn Thị Huệ - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương này mong muốn thông qua đoàn tàu "Kết nối di sản miền Trung" quảng bá ẩm thực và văn hóa Huế đến với du khách. Đây không phải là chuyến tàu thông thường mà là sản phẩm du lịch kết nối hai thành phố.
"Hiện mỗi tàu chỉ có 6 toa, hy vọng tàu sẽ có thêm nhiều toa để phục vụ đông đảo du khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, khách rất hài lòng về ẩm thực trên tàu. Tuy nhiên, do điều kiện về không gian, chúng tôi chưa thể đưa thêm nhiều món ngon khác lên tàu. Thời gian tới, các nghệ nhân sẽ đóng gói thực phẩm tươi (như bún Huế, bánh canh…) để phục vụ khách", bà Huệ nói.