(Tổ Quốc) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk vừa phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Tọa đàm "Kết nối sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Đắk Lắk". Tọa đàm thu hút sự tham dự của các doanh nghiệp lữ hành đến từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An và tỉnh Jeollabuk – Hàn Quốc.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng phát triển du lịch Đắk Lắk hiện nay, các ý tưởng và giải pháp phát triển du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới. Đa số các đại biểu đều đánh giá cao về loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đời sống văn hóa đầy sắc màu. Tuy nhiên sức cạnh tranh du lịch chưa cao bởi phát triển còn tự phát, chưa tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Các đại biểu cho rằng Đắk Lắk cần tăng cường công tác thông tin, quảng bá du lịch của tỉnh; phải bổ sung thêm các dịch vụ vui chơi giải trí tại các khu du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng hoàn thiện hơn nhất là hệ thống khách sạn, đường vào các khu du lịch; nâng cao chất lượng của đội ngũ phục vụ du lịch đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên...
Dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk và Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố đã ký kết biên bản hợp tác, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo sự liên kết phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược trong không gian phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Tỉnh có 33 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh.
Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên của rừng núi, sông hồ, thác ghềnh, cùng bản sắc văn hóa đa dạng của 47 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội. Sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như cưỡi voi thưởng ngoạn phong cảnh, cà phê và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ngoài ra, Đắk Lắk có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống giao thông đường bộ như Quốc lộ 14, 14C, 26, 27, 29 và có sân bay Buôn Mê Thuột kết nối với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch...