(Tổ Quốc) - Chàng sinh viên năm thứ tư khoa Văn học và Ngôn ngữ (ĐH KHXH&NV TP.HCM) Nguyễn Trần Khải Duy đã đạt giải nhất cuộc thi thơ “Lục bát Tết”, vừa tổng kết và trao giải chiều 18/2 tại TP.HCM.
![]() Ban Tổ chức trao giải cho các cá nhân đoạt giải cuộc thi "Lục bát Tết"
|
Đánh giá cao chất lượng cuộc thi dù diễn ra chỉ 2 tuần
Buổi tổng kết và trao giải cuộc thi “Lục bát Tết” ngoài sự hiện diện của Ban Giám khảo cuộc thi, gồm: nhà thơ Nguyễn Thái Dương, nhà thơ Cao Xuân Sơn, nhà văn Trần Nhã Thụy còn có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phan Hoàng, nhà thơ Nguyễn Phong Việt cùng đông đảo bạn đọc yêu thơ cũng tới dự.
Có mặt trong buổi tổng kết và trao giải “Lục bát Tết”, trong phần giao lưu về sức sống của lục bát. Nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ: “Lục bát trước hết nó phải là thơ cái đã, nhưng nó không phải là vè, tức là có hồn, có tâm, có tình và chữ nghĩa được chọn lọc, tinh túy, chứ không thể tùy tiện. Thứ nhất là hồn, là tình; sau đó là ngôn ngữ. Bởi vì nếu không có ngôn ngữ, không theo luật ngôn ngữ thì không thành thơ lục bát được”.
Nói về chuyện hiệp vần ở thơ lục bát, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: “Không thể thế nào mà trăm phần trăm đúng vần. Các bạn đọc lại những vĩ nhân của thơ lục bát như Nguyễn Du, Nguyễn Bính thì cũng đều có trật trẹo những cái đó. Nhưng đó đều là tiểu tiết thôi. Cơ bản là vẫn phải theo một niêm luật vần - điệu - nhịp của thơ lục bát”.
Nhà thơ Cao Xuân Sơn - một trong ba Giám khảo chia sẻ cảm nhận về cuộc thi: “Đọc các tác phẩm dự thi gặp toàn các cao thủ tham gia, tôi liều mình mới dám nhận lời làm Giám khảo, lẽ ra việc này phải là những bậc thường thừa về lục bát như nhà thơ Nguyễn Duy. Tôi có mấy cảm nhận như thế này: Ngạc nhiên vì số lượng bài nhiều; Vui mừng vì chất lượng bài; Nể phục về tài năng và tâm tình của các tác giả. Điều quan trọng là qua cuộc thi “Lục bát Tết” lần này đã khơi được mạch ngầm trong tâm tình người Việt”.
Giải thưởng cụ thể được trao như sau: Giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Trần Khải Duy. Giải Nhì trao cho tác giả Lê Hòn Khói. Và hai giải ba trao cho hai tác giả: Thái Bình và Nguyễn Hải Lý. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao thêm 7 giải Khuyến khích.
Hậu trường từ cuộc thi
Cuộc thi thơ “Lục bát Tết” lần đầu tiên được Saigon Books tổ chức, diễn ra từ ngày 20/01/2017 - 03/02/2017. Chỉ trong thời gian 2 tuần, lại diễn ra vào những ngày giáp Tết Đinh Dậu (2017) nhưng số lượng bài thơ mà Ban Tổ chức nhận được lên đến gần 1.000 bài thơ, từ các tác giả trong và ngoài nước, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư gửi về. Tác giả lớn tuổi nhất 86 tuổi, nhỏ tuổi nhất là nữ sinh sinh năm 2000, đang học THPT ở Hà Nội. Bên cạnh đó, một số tác giả ở nước ngoài như Đài Loan, Liên bang Nga, Mỹ, Ý, CHLB Đức… cũng hưởng ứng cuộc thi.
Theo thể lệ được thông báo từ trước, cuộc thi có 9 giải, trong đó có 5 giải Khuyến khích. Tuy nhiên, sau khi tổng kết, có nhiều tác phẩm xứng đáng được trao giải nên Ban Tổ chức quyết định nâng lên thành 11 giải thưởng với 7 giải Khuyến khích. Bên cạnh hiện kim, tất cả các tác giả đoạt giải đều được nhận một chiếc xe đạp Martin 107 do nhà thơ Lâm Xuân Thi tài trợ.
Đáng chú ý, sự nhiệt tình hưởng ứng cuộc thi khiến một số tác giả đoạt giải từ các tỉnh thành đã gần như có mặt đầy đủ ở Sài Gòn trong lễ tổng kết và trao giải, dù số tiền thưởng… chưa chắc đủ thanh toán tiền vé máy bay.
Tại buổi trao giải, nhiều chuyện “hậu trường” của cuộc thi đã được hé lộ, như tác giả Thái Bình (Phan Thiết) chính là con của cố thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn. Tác giả Thái Bình, tên thật là Nguyễn Thái Bình, là dân IT nhưng làm thơ... từ nhỏ mà không gửi bất kỳ đâu, cho tới khi có cuộc thi Lục bát Tết anh mới dám “xuất đầu lộ diện”.
Bất ngờ nữa là tác giả đoạt giải nhì Lê Hòn Khói chính là một bút danh khác của nhà thơ Lê Quốc Sinh (Quốc Sinh) một tác giả đang sinh sống tại Khánh Hòa, cùng thời với Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Bá Thọ, Vương Huy, Đàm Hà Phú, Nguyễn Hữu Huy Nhựt...
Còn tác giả đoạt giải nhất cuộc thi Nguyễn Trần Khải Duy chính là con trai của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà văn Trần Thị Huyền Trang. Được biết gia đình nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà văn Trần Thị Huyền Trang được nhiều văn nghệ sĩ biết đến là một cặp đôi “song kiếm hợp bích” nổi tiếng của đất Bình Định. Trước đấy, người con trai Nguyễn Trần Thiên Lộc của cặp vợ chồng này cũng bén duyên sớm với văn chương, đã giành một số giải thưởng và từng tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc.
Hà Anh