Qua 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020", diện mạo văn hoá ở Nam Định đã thay đổi theo hướng tích cực. Việc thực hiện các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Lễ hội Đền Văn Trì, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ).
Thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg, ngày 6-5-2009, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như: Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 9-11-2011 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển văn hoá nông thôn của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020"; Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá", "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá", "Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá", "Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới", "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị" và quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 9-6-2016 về "Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh".
Nội dung các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh hướng đến mục tiêu: Tập trung xây dựng con người Nam Định văn minh thông qua việc thực hiện nếp sống văn hoá, quyết tâm đấu tranh chống các hành vi tiêu cực và suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Phát triển sự nghiệp văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá từ bên ngoài nhằm bắt kịp sự phát triển của xã hội đương đại. Khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hoá - nghệ thuật; mở rộng diện phổ biến các sản phẩm văn hoá đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, an toàn. Củng cố, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo về quy mô, đáp ứng hiệu quả các hoạt động theo chức năng...
Qua 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020", diện mạo văn hoá ở Nam Định đã thay đổi theo hướng tích cực. Việc thực hiện các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới được các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm túc. Với mục tiêu "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc", các địa phương trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung công tác gia đình. Giá trị văn hoá truyền thống trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được gìn giữ, kế thừa.
Toàn tỉnh hiện có 82,5% gia đình văn hóa; 83% làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá. Các gia đình luôn có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phong trào xây dựng "Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá" được gắn với nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế phát triển; đời sống văn hoá tinh thần phong phú; củng cố mối quan hệ giữa con người với gia đình, gia đình với xã hội; thi đua sáng tạo trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới… Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá được tăng cường; nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được tôn vinh. Toàn tỉnh có thêm 2 di tích lịch sử - văn hoá được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (Đền Trần - Chùa Tháp, Chùa Keo Hành Thiện), 13 di tích cấp quốc gia, 96 di tích cấp tỉnh.
Tháng 12/2016, "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn tỉnh còn nhiều di sản văn hoá với 4 nhóm bảo vật quốc gia, 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Ca trù, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng. Tỉnh ta là vùng đất thuần nhất về dân tộc, đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng. Toàn tỉnh có 3 tôn giáo là: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành; 1.507 cơ sở thờ tự, gắn với các tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ nhân thần, thờ tổ tiên. Các hình thức sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong tỉnh phong phú gắn với những lễ hội truyền thống quy mô lớn như: Hội Chợ Viềng Xuân, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy...
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn được chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo. Nhiều công trình văn hoá tâm linh được đầu tư, xây dựng, nâng cấp đã góp phần quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước. Các dự án như: Dự án xây dựng Khu trung tâm lễ hội Trần ở Thành phố Nam Định, Quy hoạch phân khu Quần thể di tích Phủ Dầy ở huyện Vụ Bản, Dự án cải tạo, nâng cấp Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh ở huyện Xuân Trường được triển khai thực hiện với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đối với công tác xã hội hoá các hoạt động bảo tàng, từ khi khánh thành năm 2012 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức 17 đợt hiến tặng và tiếp nhận 2.447 hiện vật, 1.000 đầu sách nghiên cứu về di sản văn hoá phi vật thể của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Hàng năm, Bảo tàng tỉnh tổ chức Chợ Tết "Một thoáng Thành Nam", tái hiện nhiều nét đẹp truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người Thành Nam xưa và nay, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân địa phương và du khách nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Ở các các lĩnh vực như: Thư viện, điện ảnh, văn học - nghệ thuật, thông tin - triển lãm đã bám sát nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước, thường xuyên tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Thư viện tỉnh không ngừng phát triển mạng lưới thư viện, tham gia trưng bày triển lãm sách, báo và tổ chức các hoạt động tại Hội Báo Xuân, Ngày Sách Việt Nam (21-6). Từ khi tiếp nhận Xe ô tô Thư viện lưu động đa phương tiện từ Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) năm 2018, phong trào đọc sách đã được lan toả đến khắp các địa phương; đặc biệt là trong các trường học. Nhiều hoạt động như: "Ngày hội đọc sách của em", "Tủ sách ước mơ"… đã được Thư viện tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức hiệu quả.
Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm của địa phương, đất nước, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều đợt chiếu phim tại chỗ và lưu động phục vụ học sinh, sinh viên. Lĩnh vực văn học, nghệ thuật tiếp tục đạt được những thành tựu mới. Các văn nghệ sĩ trong tỉnh đã không ngừng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp gồm: Nhà hát Chèo, Đoàn Cải lương, Đoàn Kịch nói đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân trong tỉnh, đồng thời mở rộng phạm vi biểu diễn tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn La, Lai Châu...
Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các loại hình văn hoá truyền thống được kế thừa và phát huy như: hát chèo, chầu văn, ca trù, múa lân - sư - rồng, múa rối nước, cà kheo, trống hội… Toàn tỉnh hiện có 866 đội văn nghệ quần chúng, gần 60 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Trung tâm Văn hoá, Thể thao cấp huyện được thành lập, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể thao quy mô hoành tráng phục vụ nhân dân vào các dịp: mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước và các sự kiện chính trị ở địa phương. Chất lượng phong trào văn nghệ cơ sở được nâng cao thông qua các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên tại nhà văn hoá thôn, xóm. Đến nay, toàn tỉnh có 10 nhà văn hoá cấp huyện, 3.005/3.634 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá trung tâm, góp phần nâng cao văn hoá tinh thần của nhân dân thông qua hoạt động của các tổ, tốp, đội, câu lạc bộ văn nghệ...
Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020", nhận thức và trách nhiệm của một số địa phương về văn hoá chưa đồng đều. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến tư tưởng, đạo đức và lối sống của nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" còn mang tính hình thức…
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác quản lý Nhà nước về văn hoá, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể với các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá đồng đều trên các lĩnh vực. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp văn hoá, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Tăng cường công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các dịch vụ văn hoá, thể thao; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trên lĩnh vực văn hoá; ngăn chặn kịp thời các sản phẩm văn hoá độc hại tác động xấu đến đời sống xã hội. Quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực của ngành; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, hướng tới chuẩn hoá cán bộ làm công tác văn hoá, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử văn hoá của cha ông cho thế hệ trẻ./.