• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021

Kinh tế 26/01/2021 14:03

(Tổ Quốc) - Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,91% và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng GDP cao nhất. Trên cơ sở mức tăng trưởng khả quan này, năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6% và trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 6,5%-7%.

Kiên định mục tiêu kép

Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được "mục tiêu kép" vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 và tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, còn khu vực dịch vụ tăng 2,34%.

Kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ảnh 1.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 6,5%-7% Ảnh: Chinhphu.vn

Khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất thập kỷ. Theo cơ quan thống kê, Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng được kiểm soát tốt trong nước nên hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt mức tăng cao trong những tháng cuối năm, hoạt động vận tải trong nước đang dần phục hồi nhưng vận tải ngoài nước và du lịch còn gặp nhiều khó khăn.

Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống trong năm nay giảm 14,68%, ngành vận tải, kho bãi giảm 1,88%. Những ngành vẫn duy trì tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 5,53%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,87%

Báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. Đây là điểm rất khác biệt với nền kinh tế khi bị khủng hoảng tài chính, khi hầu hết các ngành bị ảnh hưởng, hoặc có ít ngành hưởng lợi hơn.

COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số. Xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã bắt đầu từ mấy năm gần đây (trong đó có sự ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư), nhưng COVID-19 xuất hiện đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn.

Nhận định về lĩnh vực xuất khẩu trong năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Dù trong bối cảnh dịch bệnh song xuất khẩu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng vượt 280 tỉ USD. Việt Nam đã có 31 mặt hàng trên 1 tỉ USD, 6 mặt hàng trên 10 tỉ USD. Đáng chú ý, xuất siêu 5 năm qua đã đạt trên 43 tỉ USD.

Về hội nhập, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 thị trường, có FTA với 16 nền kinh tế, đặc biệt là các hiệp định của CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…

"Không có nhiệm kỳ nào ký được 4 hiệp định thương mại tư do như vậy", Thủ tướng nói.

Đánh giá kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Thủ tướng dẫn lại hai câu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là, năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt.

Những kết quả, thành tích đó đã góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020 và là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kép được thực hiện thành công, vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, phát triển văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả, quốc phòng, an ninh đảm bảo, đặc biệt là thành công trong đối ngoại.

Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Năm 2021, trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

"Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết quả nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,91% và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng GDP cao nhất - Ảnh: Nam Nguyễn

Với kết quả đạt được trong năm 2020, các tổ chức tài chính-ngân hàng hàng đầu trên thế giới đã đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng GDP của Việt Nam nói riêng.

Theo "Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9/2020, tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2020 dự kiến đạt 1,8% và đạt 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á sẽ suy giảm còn 0,7% năm 2020 và tăng 6,8% năm 2021.

ADB dự báo Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn rất tích cực, nhờ tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cùng với việc được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn…

Trong khi đó, theo Báo cáo Nghiên cứu toàn cầu mang tựa đề "Việt Nam - Tăng trưởng bị gián đoạn trong quý III/2020, nhưng triển vọng phục hồi ổn định", Ngân hàng Standard Chartered nhận định, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,8% vào năm 2021.

Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á tăng trưởng dương năm 2020, bất kể ảnh hưởng của làn sóng Covid-19. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ được cải thiện sẽ giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác tại châu Á.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% vào năm 2021. Ngân hàng HSBC cũng vừa công bố Báo cáo "Kinh tế châu Á: Tất cả đều chịu đựng", trong đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 8,1.

Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings dự báo, Việt Nam đứng thứ hai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19. S&P Global Ratings cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9% trong năm 2020 và 11,2% vào năm 2021.

Trong khi đó, báo cáo "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo" của Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.

Theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cao Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ