Sáng 19-11, Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ hai 2006 đã bế mạc sau ba ngày hoạt động sôi nổi. 29 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 11 bằng khen đã được trao cho các diễn viên tham gia liên hoan.
Sáng 19-11, Liên hoan tuồng không chuyên toàn quốc lần thứ hai 2006 đã bế mạc sau ba ngày hoạt động sôi nổi. 29 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 11 bằng khen đã được trao cho các diễn viên tham gia liên hoan.
Sự hội tụ của gần 200 diễn viên thuộc tám đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên của tám tỉnh, thành phố trong cả nước đã phác họa phần nào sức sống tiềm tàng của nghệ thuật tuồng trong đời sống nhân dân. Không chỉ gìn giữ được sức sống lâu bền trong lòng người dân “đất tuồng” miền trung như Bình Định, Đà Nẵng… với những đoàn tuồng không chuyên hoạt động gần như các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, lịch diễn dày đặc và nghệ sĩ sống được bằng nghề, tuồng còn được nuôi giữ bằng những tấm lòng yêu mến vốn nghệ thuật truyền thống quý báu của cha ông, tuy không phát triển rầm rộ, hoạt động thường kỳ, nhưng vẫn bền bỉ và gắn kết với đời sống tinh thần của người dân những vùng đất mà tuồng vốn không phải là truyền thống, như Bắc Ninh, Hà Tây… Nghệ thuật tuồng cũng theo bước chân nghệ nhân để “khai phá”, cắm rễ trên những “vùng đất mới” như Đác Lắc. Nghĩa là, trong khi nhiều người lo lắng cho sự khủng hoảng, thưa vắng người xem của nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, trong đó có sân khấu truyền thống, thì trên sàn diễn dân gian, nghệ thuật tuồng vẫn có một đời sống sôi nổi, một sức hấp dẫn lâu bền với người dân.
Cũng chính vì sự phong phú, đa dạng trong hình thức hoạt động của các đội tuồng không chuyên các địa phương, nên ban tổ chức đã rất khó khăn khi đánh giá, xem xét từng vở diễn và vai diễn. Trong sự không đồng đều về chất lượng nghệ thuật, Ban tổ chức liên hoan không đặt nặng tiêu chí xếp loại, mà nhìn nhận trong mối tương quan chung với tình hình hoạt động của từng đơn vị, bởi Liên hoan, trên hết, và trước hết là cơ hội giao lưu cho các nghệ sĩ đang hoạt động trong các đoàn nghệ thuật ngoài công lập. Một yếu tố cũng tác động đến kết quả xếp loại, là vốn các đoàn nghệ thuật không chuyên chỉ quen dàn dựng và biểu diễn các vở, trích đoạn tuồng cổ, không có khả năng kinh phí cũng như kinh nghiệm biểu diễn để dàn dựng các sáng tác mới. Do yêu cầu của Liên hoan, nên nhiều địa phương đã hỗ trợ các nghệ sĩ dàn dựng vở mới, vốn không phải là sở trường của họ. Một số địa phương còn lựa chọn, tập hợp những nghệ sĩ xuất sắc nhất từ các đoàn, nhóm khác nhau để thành lập một đoàn chung, nên các vở diễn, sau Liên hoan, ít có điều kiện tiếp tục công diễn. Và hoạt động Liên hoan, vì thế, cũng không tác động tích cực đến đời sống của các đoàn nghệ thuật.
Cảnh trong vở “Mỵ Châu- Trọng Thuỷ” (Đà Nẵng). |
Đề tài hiện đại vốn không phải là thế mạnh của tuồng, nên nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tỏ thái độ không đồng tình với quy chế của ban tổ chức, khuyến khích những sáng tác mới về đề tài hiện đại. Thực tế tại Liên hoan, những vở diễn lấy đề tài lịch sử, hoặc dã sử thành công hơn những vở diễn lấy bối cảnh hiện đại. Theo ý kiến đánh giá của tác giả Văn Sử, Trưởng Ban giám khảo, thì một phần nguyên nhân là do đề tài hiện đại đòi hỏi trình độ diễn xuất của diễn viên phải rất nhuần nhuyễn mới có thể làm bật lên được chất tuồng, trong khi, đó lại là điểm yếu của nhiều đơn vị không chuyên. Thêm nữa, các tác giả vẫn chưa thực sự tìm được chìa khoá để chuyển tải những thông điệp của cuộc sống hôm nay theo những trình thức của nghệ thuật tuồng, mà thời lượng của vở diễn, theo quy định của ban tổ chức liên hoan, lại chỉ gói gọn trong 60 phút. Việc đưa đề tài hiện đại lên sân khấu tuồng vẫn còn là một bài toán khó, nhưng là việc nên làm.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã tặng bằng khen cho tất cả các đơn vị tham gia, và công bố danh sách xếp loại vở diễn của các đoàn nghệ thuật theo thứ tự chấm điểm của ban giám khảo từ trên xuống: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Bình Định, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đác Lắc và TP Hồ Chí Minh. Giải cho diễn viên: 29 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 11 bằng khen. Nhà hát tuồng Việt Nam trao một số giải đặc biệt cho các thành phần tham gia sáng tạo: đạo diễn: Lưu Ngọc Nam; dàn nhạc: Hà Tây; diễn viên nữ cao tuổi xuất sắc nhất: Lê Thị Thanh (Bắc Ninh); diễn viên trẻ xuất sắc nhất: Bích Huệ; Gia đình nghệ sĩ: Nguyễn Công Khánh- Kiều Hạnh (Đác Lắc); và cán bộ xã nhiệt tình tham gia phong trào: Thế Lộc (Hà Nội).
Q.T (Theo ND)