• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khác biệt về văn hóa vùng miền chỉ làm phong phú thêm chứ không cản trở nghệ sỹ

Văn hoá 30/03/2018 09:10

(Tổ Quốc) – Đây là chia sẻ của Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – NSƯT Triệu Trung Kiên với báo Tổ quốc trong cuộc trò chuyện xoay quanh nghệ thuật Cải lương xưa và nay. 

+ Ông có thể chia sẻ lý do nào lại chọn công trình “Thầy Ba Đợi” cho ngày  kỷ niệm một thế kỷ Sân khấu Cải lương Việt Nam?

- Theo một số nhà nghiên cứu và những người làm nghề cho rằng, từ năm 1918, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã được hình thành. Còn cái tên “Cải lương” thì đến năm 1920 mới chính thức xuất hiện từ câu liễn “Cải cách hát ca theo tiến bộ, lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – NSƯT Triệu Trung Kiên

Tính đến thời điểm này, nghệ thuật sân khấu Cải lương đã trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển. Theo đó, đã có nhiều kế hoạch và các hoạt động để chào mừng sự kiện quan trọng này.

Tôi và một số đồng nghiệp phía Nam cũng đã ấp ủ một công trình nghệ thuật để chào mừng sự kiện này. Đó sẽ là công trình quy tụ nghệ sỹ Cải lương hai miền Nam – Bắc.

Tác phẩm mà chúng tôi lựa chọn là kịch bản “Thầy Ba Đợi”, tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ. Công tác chuyển thể Cải lương sẽ do Soạn giả Hoàng Song Việt (Cũng là trưởng ban tổ chức) và Phạm Văn Đằng thực hiện. Chỉ đạo nghệ thuật sẽ là NSND Trần Ngọc Giầu – Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Trước đó, chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu lịch sử và thấy nhân vật nhạc sư Nguyễn Quang Đại (học trò gọi ông là Thầy Ba Đợi), là người đã có công đầu trong việc làm xuất hiện nghệ thuật Sân khấu Cải lương.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại vốn là Nhạc quan của Triều đình Huế. Khi vua Hàm Nghi bị Pháp đầy sang Châu Phi, ông đã hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp. Ông lưu lạc vào Nam kỳ mang theo di sản quý báu là Nhã nhạc cung đình Huế. Tại đây, ông đã “dân dã hóa” di sản âm nhạc cung đình, vừa cải biên vừa sáng tác và hệ thống hóa để hình thành nên âm nhạc Tài tử Nam bộ với nòng cốt là 20 bản tổ. Âm nhạc Tài tử Nam Bộ lại là tiền thân của sân khấu Cải lương. Có thể nói, nếu không có 20 bản tổ, không có Âm nhạc Tài tử Nam Bộ, nghệ thuật Sân khấu Cải  lương đã không thể ra đời.  

Nhà hát Cải lương Việt Nam, nơi tôi công tác cùng với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ phối hợp để dàn dựng vở diễn này.

"Nếu nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, lan tỏa và bảo toàn được những phẩm chất quý báu thì chúng tôi ủng hộ. Còn nếu bị bóp méo, làm cho dị biệt, hay tạo nên những xu hướng tiêu cực thì đương nhiên chúng tôi không đồng tình"

+ Vốn dĩ xưa nay, nghệ thuật hai miền Nam – Bắc đều tồn tại những đặc điểm mang tính chất vùng miền, vậy ông làm thế nào để họ có thể cùng đứng chung sân khấu? 

- Nhìn lại lịch sử ta thấy Cải lương sau khi ra đời ở Nam kỳ, thì chỉ một thập niên sau đã xuất hiện tại Bắc kỳ. Cải lương Bắc với nét đặc trưng riêng đã song song tồn tại, phát triển cùng với Cải lương miền Nam từ đó. Năm 1951 tại Thanh Hóa, Liên đoàn ca kịch kháng chiến được thành lập. Nhà hát Cải lương Trung ương ra đời với hai đơn vị là Đoàn Cải lương Bắc Trung ương và Đoàn Cải lương Nam bộ. Sau năm 1975, Đoàn Cải lương Nam bộ trở về Nam và chính là tiền thân của Nhà  hát Cải lương Trần Hữu Trang bây giờ. Trong suốt quá trình đó, Cải lương hai miền gần như không có sự gắn kết mà phát triển độc lập. Từ năm 1998, với những hoạt động chung mà nghệ sỹ hai miền đã gần gũi lại với nhau, cho đến bây giờ, ước mong được đứng chung sân khấu mới trở thành hiện thực.

Hiện nay sân khấu Cải lương cả hai miền đều gặp phải nhiều những khó khăn lớn. Nên việc nghệ sĩ hai miền cùng đồng lòng làm nên những tác phẩm tâm huyết là xu hướng tất yếu. Khác biệt về văn hóa vùng miền chỉ làm phong phú thêm chứ không cản trở nghệ sỹ hai miền cùng hòa quyện trong một vở diễn.

Trong “Thầy Ba Đợi” ẩm hưởng văn hóa ba miền sẽ xuất hiện. Người xem sẽ nghe thấy thổ ngữ của cả ba miền, giọng Bắc, Huế, Nghệ An và Nam. NSND Vương Hà với nhân vật Công Tằng Tôn Nữ Thị Phương sẽ thoại lời bằng tiếng Huế và xử lý bài ca theo âm hưởng Huế. Nghệ sỹ Quang Khải với nhân vật Nhạc quan Nguyễn Quang Đại vốn gốc miềm Trung, giai đoạn từ Huế vào Nam Kỳ sẽ thoại bằng tiếng miền Trung… Chi tiết này có lẽ cũng sẽ tạo nên sự thú vị cho vở diễn.

+ Ngày nay có một số nghệ sĩ Chèo, Tuồng, Cải lương…. tham gia các gameshow và mang theo những loại hình nghệ thuật dân tộc để tham dự, ông có nhận xét gì về điều này?

- Gameshow cũng là một cách truyền bá các loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhưng môi trường gameshow với mục đích giải trí là trên hết cùng với các ý đồ riêng tư của nhà sản xuất nên các nghệ sỹ tham gia phải biết tỉnh táo với những gì mình sẽ làm.    

Nếu nghệ thuật truyền thống được tôn vinh, lan tỏa và bảo toàn được những phẩm chất quý báu thì chúng tôi ủng hộ. Còn nếu bị bóp méo, làm cho dị biệt, hay tạo nên những xu hướng tiêu cực thì đương nhiên chúng tôi không đồng tình.  

+ Như ông chia sẻ, người đối diện sẽ cảm nhận được rõ ông là người rất đam mê, nhiệt huyết với nghề, và bằng chứng là những tác phẩm đã được dàn dựng. Nhưng thực tế dường như khán giả và truyền thông còn ít quan tâm, vậy đã bao giờ ông cảm thấy mình chạnh lòng?

- Sân khấu Cải lương rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu vắng khán giả cũng là hệ quả tất yếu của xu thế xã hội. Việc các tác phẩm Cải lương dù được dồn nhiều tâm huyết nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm cũng là điều dễ hiểu. Cho nên tôi không cảm thấy chạnh lòng.

Khi nắm bắt được quy luật ta sẽ thấy, khó khăn lên đến đỉnh điểm cũng chính là cơ hội cho những ai thực sự có năng lực để đề xuất được những giải pháp đúng đắn. Nên cá nhân tôi chỉ biết miệt mài lao động sáng tạo một cách nghiêm túc. Và tôi tin mọi nỗ lực chính đáng đều sẽ được đền đáp.

Nghệ thuật có những giá trị mang tính bền vững và cũng có những giá trị mang tính thời cuộc. Cái gì còn lại với thời gian, cái đó mới là tinh túy mang phẩm chất cao đẹp cần phải gìn giữ.

Cải lương đã tồn tại và phát triển được 100 năm, và nó có tiếp tục tồn tại được nữa hay không phải nhờ vào những người nghệ sỹ tâm huyết, có tài năng và trách nhiệm cùng những tác phẩm mang giá trị cao, phô diễn được tất cả những nét đẹp của loại hình.

+ Dẫu biết nghệ thuật truyền thống đều cần phải giữ gìn nhưng có những nhận định cho rằng Cải lương thường buồn, hoài cổ nên khó bắt nhịp được thời đại. Ông có lo ngại điều này?

- Khi khán giả trẻ nhận định Cải lương là cũ kỹ, hoài cổ, chúng ta không nên vội vàng trách họ. Tuổi trẻ ngày nay suy nghĩ thực dụng và ưa các hoạt động sôi nổi.

Cải lương từng có giai đoạn phát triển rực rỡ nhưng cũng có những giai đoạn rơi vào trì trệ. Nên việc đổi mới Cải lương luôn là cần thiết. Đổi mới để Cải lương bớt cũ kỹ, hòa nhập với các xu hướng Sân khấu hiện đại trên thế giới, phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của con người hôm nay theo tôi là điều cần làm. 

Trên thực tế, bằng các tác  phẩm của mình, chúng tôi đã có thêm nhiều khán giả chưa từng biết đến nghệ thuật Cải lương. 

Nghệ thuật Cải lương đã có cải cách, nhưng lại nhưng chưa phổ cập nên công chúng vẫn có những nhận định không đúng.

Sân khấu Cải lương hiện đại cũng đã có một số thử nghiệm thành công nhưng sức lan tỏa chưa lớn. Nên hơn lúc nào hết, những nghệ sỹ Cải lương cần đồng tâm nhất chí để Cải lương có thể vượt qua khó khăn, tạo nên diện mạo mới thực sự thuyết phục các tầng lớp khán giả hôm nay.

+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Trần Trung Kiên!

 

 

Tường Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ