• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay

Thời sự 20/10/2022 20:42

(Tổ Quốc) - Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)... 

Khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đàng, Nhà nước đối với công tác Phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bên cạnh việc kế thừa thì Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) phải khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động Phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều. Phạm vi điều chỉnh, về cơ bản dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong Phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong Phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc Phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, trong đó có tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo; bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhằm không tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật có hiệu lực thi hành nhưng chưa kịp hoàn thành việc phân công chức năng đơn vị đầu mối về phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp như sau: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định khác, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật này và các Luật khác có liên quan…

Khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay - Ảnh 2.

Phiên họp chiều 20/10.

Cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền 2012

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định; các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...

Đồng thời, đề nghị cần xem xét kỹ quy định tại khoản 1 Điều 26 về yếu tố để thực hiện báo cáo giao dịch đáng ngờ đối với "Giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo hoặc người bị kết án…".

Khắc phục các vướng mắc, bất cập các quy định của pháp luật Phòng, chống rửa tiền hiện nay - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Về nội dung về đánh giá rủi ro rửa tiền của đối tượng báo cáo và phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, đây là quy định mới và cần thiết trong bối cảnh các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, đồng thời phù hợp với khuyến nghị của FATF. 

Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về báo cáo kết quả đánh giá rủi ro hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và khoản 1 Điều 16 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền tại đối tượng báo cáo bảo đảm tính khả thi và tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các đối tượng khi triển khai. 

Bên cạnh đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định tại khoản 1 về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, tuy nhiên, cần cân nhắc nội hàm "chức vụ cấp cao" do khái niệm này còn định tính, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về kỹ thuật, bảo đảm việc xác định danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là rõ ràng, minh bạch, khả thi trong thực tiễn triển khai; cân nhắc thuật ngữ "quản lý cấp cao" tại điểm b khoản 2; nhấn mạnh hơn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị.

Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc các đối tượng báo cáo phải ban hành quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, trong đó đã giới hạn một số nội dung đối với đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng sự cần thiết, tính khả thi và tính phù hợp của các nội dung đối với các đối tượng báo cáo cụ thể…

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ