(Tổ Quốc) - Khi thanh toán tại các siêu thị, khách hàng có thể bỏ qua số tiền 500 đồng hay 1.000 đồng nhưng đôi khi họ cũng rất bực mình và quyết đòi lại số tiền thừa vì thái độ dửng dưng của thu ngân.
Thường thì khi mua hàng tại siêu thị, lúc thanh toán khách hàng thường bỏ qua số tiền thừa 500 đồng – 1.000 đồng, hoặc thay vào đó họ đành nhận 1-2 chiếc kẹo hoa quả. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thoải mái vì cảm giác mình bị bắt ép phải nhận kẹo chứ mình không có nhu cầu dùng đến.
Ảnh minh hoạ: Hà Giang |
Chị Lan Anh (KĐT Times City, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, hầu như tuần nào chị cũng xuống siêu thị Vinmart vài lần để mua thức ăn. Do siêu thị có những món đồ bán với giá rất lẻ nên khi thanh toán thường dư ra số tiền lẻ 500 – 1.000 đồng. Và bởi những tờ tiền mệnh giá quá nhỏ này hiện không còn lưu thông nhiều nên thay vì nhận tiền lẻ trả lại, chị đành “cầm tạm” 1-2 chiếc kẹo ổi từ nhân viên thu ngân.
“Hồi đầu tôi còn nhận kẹo, nhưng sau đó tôi thường trả lại cho siêu thị và bỏ qua số tiền lẻ còn thừa. Nếu tôi mang kẹo về thì cũng sẽ bỏ đi thôi vì các con tôi không ăn.
Tôi cũng thông cảm với nhân viên thu ngân vì khi họ kéo ngăn tủ đựng tiền ra, tôi cũng không nhìn thấy tiền lẻ ở đó. Tôi biết nhiều nhân viên thu ngân cũng rất dễ mến và khéo léo để tránh làm khách hàng phật ý trong chuyện này".
Đồng tình với quan điểm của chị Lan Anh, chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Tại các siêu thị, các mặt hàng thường có giá rất lẻ, ví dụ như 199.000 đồng, 8.500 đồng... Vì thế, khách thường xuyên thừa tiền lẻ nhưng hầu như đều phải nhận kẹo thay tiền. Thôi thì thời buổi này tiền lẻ cũng hiếm nên đành bỏ qua vậy!”.
Tuy nhiên, cũng có những khách hàng lại cho rằng, cách đổi tiền lẻ thay kẹo như các siêu thị là không nên bởi cho rằng, đây là cách kiếm lời của siêu thị. Thực tế, mỗi lần thanh toán như vậy nếu tính trên một hóa đơn thì số tiền không lớn, nhưng một ngày thanh toán hàng trăm, hàng ngàn hóa đơn thì số tiền lẻ cộng lại cực lớn.
Đặc biệt, sự chấp nhận hay không chấp nhận của khách hàng đôi khi còn phụ thuộc vào thái độ của nhân viên thu ngân.
Lúc thanh toán tiền thừa, nếu nhân viên thu ngân nhã nhặn, nói năng khéo léo thì khách hàng thường sẽ không có ý kiến gì và ngược lại.
Chị Ngọc (KĐT Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) than thở: “Đi siêu thị mua đồ ăn hết 189.500 đồng. Mình đưa tờ 200.000 đồng thanh toán mà em nhân viên trả lại đúng 10.000 đồng, mặt lạnh tanh không nói được một câu kiểu như “em không có tiền lẻ, chị thông cảm nhé!. 500 đồng chẳng đáng gì nhưng cảm thấy bực mình vì thái độ. Mỗi ngày, siêu thị lời bao nhiêu khi bớt mỗi khách 500 đồng tiền lẻ như vậy?”.
Mới đây nhất, một facebooker tên T viết một status với nội dung: “Cho con gái đi mua trà sữa. Cốc trà 39.000 đồng. Mình đưa em thu ngân 50.000 đồng mà em ấy trả lại mình 10.000 đồng với thái độ tỉnh bơ. Khi mình hỏi lại thì em ý mới trả lời: “À chị ơi bọn em hết tiền lẻ rồi ạ!”.
Cũng tại status này, facebooker bày tỏ: “Do mình tiếc 1.000 đồng hay bây giờ thời thế đổi thay, xã hội văn minh mà mình không kịp cập nhật nhỉ?”.
Status trên của facebooker tên T đã nhận được nhiều bình luận đồng tình. Phần lớn mọi người đều cho rằng, trong tình huống không có tiền lẻ để trả lại cho khách thì thái độ của thu ngân là vô cùng quan trọng. Có như vậy khách hàng mới cảm thấy mình được tôn trọng.
Ở Việt Nam, dường như tiền lẻ, nếu dưới 1 nghìn đồng, thường được mặc định là "vô giá trị" thì tại nhiều quốc gia phát triển, tiền lẻ vẫn luôn được quý trọng.
Ví như, tại đất nước kinh tế phát triển như Nhật Bản, họ vẫn dùng 1 yên (khoảng 200 đồng) rất trân trọng, đặc biệt trong các hệ thống siêu thị, nhà hàng…/.
Hà Giang