(Tổ Quốc) - Chiều nay (21/5), Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức cuộc họp báo về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại buổi họp báo, phóng viên đã đề nghị cho biết về lý do rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Đại tá Nguyễn Thế Anh - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang ra khỏi danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá XV.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Nhân sự của Hội đồng Bầu cử Quốc gia khẳng định, công tác nhân sự ĐBQH và HĐND các cấp luôn là nội dung được cơ quan báo chí quan tâm, điều đó rất đúng vì mục tiêu cuối cùng là lựa chọn đại biểu ưu tú, xứng đáng, đại diện cho cử tri ở từng địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, vừa qua, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành Nghị quyết rút tên 2 ứng viên ĐBQH khóa XV là Nguyễn Thế Anh - Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang và Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai. Về việc này, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã xem xét khách quan, cân nhắc thận trọng.
Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng đã thông tin kịp thời đến báo chí về 2 Nghị quyết rút tên đối với các trường hợp này.
"Thời điểm Hội đồng Bầu cử Quốc gia rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn và Đại tá Nguyễn Thế Anh thì cũng chưa thể khẳng định có vi phạm pháp luật hay không vì chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào có thẩm quyền kết luận về việc 2 ứng cử viên này vi phạm pháp luật" - bà Nguyễn Thị Thanh thông tin; đồng thời khẳng định, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định của pháp luật về việc việc rút tên 2 ứng viên này. Điều đó thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng bầu cử Quốc gia, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước".
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, việc rút tên ông Nguyễn Quang Tuấn không hề ảnh hưởng đến cơ cấu ĐBQH khóa XV. Kể cả tất cả các ứng viên đã được xác nhận tư cách và trở thành đại biểu rồi mà vẫn vi phạm, tình huống pháp lý đặt ra thì Quốc hội và HĐND các cấp vẫn thực hiện quyền tiếp theo đó là bãi nhiệm.
"Công tác nhân sự không dừng ở giai đoạn nào mà phải làm đến khi các ứng viên được thực sự công nhận là Đại biểu" - Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.