• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020

Văn hoá 19/09/2020 11:33

(Tổ Quốc) - Ngày 18/9 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức diễn ra Khai mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020.

"Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020" là hoạt động nghề nghiệp nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân gian Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Cuộc thi là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên đang giảng dạy, học tập chuyên ngành nhạc cụ dân tộc tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật thể hiện khả năng cá nhân; giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật; bảo tồn, gìn giữ, phát huy những tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt Nam, từ đó rút ra những bài học về công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển tài năng và tìm ra những phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy các loại hình âm nhạc truyền thống phát triển trong thời kỳ mới.

Khai mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020 - Ảnh 1.

Cảnh trrong phần dự thi của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế

Cuộc thi thu hút số lượng thí sinh đăng kí tham gia khá lớn, 650 thí sinh và 35 đoàn nghệ thuật trong cả nước. Tới Cuộc thi, các nghệ sĩ sẽ cùng nhau tranh tài biểu diễn các loại hình âm nhạc truyền thống như tuồng, chèo, ca trù, cải lương, hát ru; Bộ Hơi: sáo Trúc, sáo Tre, kèn Sona, kèn lá, K'lông pút…; Bộ Dây: Nhị, Cò...; Bộ Gảy: Nguyệt, Tranh, Tỳ Bà, Tam Thập Lục...; … Hội đồng giám khảo sẽ chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất để trao giải thưởng vào tối 04/10/2020.

Dự kiến ban đầu, Cuộc thi diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nhưng do tình hình Covid-19, để đảm bảo an toàn các biện pháp phòng chống dịch, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ứng biến kịp thời, quyết định hình thức tổ chức mới, đó là cuộc thi sẽ tổ chức tại 05 địa điểm bao gồm: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Thành phố Hồ Chí; Thành phố Thanh Hóa; Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được chọn làm nơi diễn ra khai mạc.

Khai mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020 - Ảnh 2.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – Trưởng ban tổ chức và ông Đặng Gia Duẩn Phó Giám đốc sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk - Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi tặng cờ cho các trưởng đoàn

Ngay trong buổi khai mạc cuộc thi khán giả thành phố Tây Nguyên đã được thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc của Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế.

Chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk gồm 03 tiết mục: Hồn đất mẹ (M'ngăt Lăn Amí); Vía trời Cha (Eengit Adiê Ama); Tiếng lòng gọi bạn (Asăp lêo M'thưr). Với chương trình độc tấu, hòa tấu sáng tác mới từ những làn điệu dân ca của 3 dân tộc Ê đê, Gia rai, Xơ đăng vô cùng phong phú và đặc sắc. Những âm thanh từ nhạc cụ tre, nứa cùng hòa với tiếng cồng, tiếng chiêng tạo nên âm thanh trầm hùng của núi rừng, lúc nghe thánh thót như tiếng suối chảy, lúc ầm vang như dòng thác,… tạo nên những âm thanh để nối liền cõi âm với cõi dương, giữa con người với trời đất thần linh, giữa hiện tại với quá khứ. Với ý nghĩa linh thiêng ấy, tất cả đều được ngân lên như một dàn hợp xướng hội tụ đầy đủ cung bậc, sắc màu của cuộc sống đại ngàn từ xưa vọng về.

Âm nhạc truyền thống của Đắk Lắk không chỉ mang ý nghĩa linh thiêng mà sẽ là cầu nối gắn kết các địa phương với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh.

Khai mạc Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020 - Ảnh 3.

Cảnh trong tiết mục dự thi của đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk

Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế mang tới cuộc thi chương trình gồm 3 chủ đề: Chủ đề 1 "Vang Mãi Dòng Hương", Hòa tấu dàn nhạc: "Về Với Huế Thơ" dựa theo các làn điệu lý Huế vui tươi nhộn nhịp; Chủ đề 2 "Tiếng Hương Bình": Tứ tấu "Nam Ai" và Song tấu: "Cổ Bản Dựng sang Cổ Bản Thường" (làn điệu cổ); Chủ đề kết "Sóng Hương Giang": Song ca kèn Sona "Đại Hồng Thủy 99".

Khai mạc được dàn dựng chỉn chu với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ được công chúng mến mộ. Tuy nhiên khác với nhiều Cuộc thi, Liên hoan… từng được tổ chức luôn khuyến khích khán giả tới rạp nhưng Cuộc thi lần này chỉ có một số lượng khán giả hạn chế để bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Cuộc thi được phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, trong hoạt động liên hoan và cuộc thi chuyên nghiệp được phát trực tiếp trên Youtube./.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ