(Tổ Quốc)- Sáng ngày 28/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, Hà Nội, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã khai mạc với sự hiện diện của 1091 đại biểu.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến cùng đại diện lãnh đạo các bộ ngành T.Ư, TP.Hà Nội đã đến dự và chúc mừng Đại hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng Minh (HĐCM) Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cùng chư tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM đã quang lâm chứng minh Đại hội. Phiên khai mạc Đại hội đặt dưới sự chủ tọa của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự (HĐTS) và chư tôn giáo phẩm lãnh đạo HĐTS.
Đại hội có sự tham dự của 1.091 Đại biểu đến từ 63 tỉnh thành cùng các Đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phát biểu khai mạc Đại hội, HT.Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh về những thành tựu cơ bản của nhiệm kỳ 5 năm qua của Phật giáo cả nước và cho biết Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nhân loại đang ở trong quá trình hội nhập quốc tế sâu sắc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với con người, với mọi quốc gia, dân tộc. Đồng thời, nhân loại cũng đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, mâu thuẫn, xung đột, cạnh tranh khu vực sâu sắc.
“Nhiệm kỳ IX (2022-2027), Tăng Ni, tín đồ Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nỗ lực phấn đấu theo định hướng: Kỷ cương, Trách nhiệm, Đoàn kết, Phát triển. Tại Đại hội này, các đại biểu có nhiệm vụ tập trung thảo luận, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phương thức thực hiện hiệu quả các Phật sự trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong nhiệm kỳ vừa qua. Qua đó đề ra phương hướng hoạt động Phật sự nhiệm kỳ tới; thảo luận, đóng góp ý kiến vào 12 mục tiêu Phật sự lớn của Giáo hội trong nhiệm kỳ tới, các dự thảo văn kiện trình Đại hội; suy tôn Đức Pháp chủ và bổ sung Hội đồng Chứng minh; suy cử Hội đồng Trị sự khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2027; và một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đảm bảo Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự”, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS khẳng định.
Theo đó, Hòa thượng đề nghị Đại hội phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ để đánh giá đúng thành tựu Phật sự đạt được, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành Phật sự của Hội đồng Trị sự; đồng thời phân tích sâu những tiềm năng, lợi thế, nhìn ra những khó khăn, thách thức phía trước từ đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ Phật sự trọng tâm và sáng tạo đột phá nhằm thực hiện thành công một cách hữu hiệu nhất các Phật sự ích đạo, lợi đời, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký HĐTS đã báo cáo những thành tựu Phật sự đạt được của các cấp Giáo hội, chư Tăng ni và Phật tử các giới trên tất cả các mặt hoạt động. Thượng tọa cũng trình bày dự thảo chương trình hoạt động Phật sự 12 điểm của 5 năm tới 2022-2027.
Phát biểu chúc mừng Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại truyền thống hộ quốc an dân của lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam.
“Phật giáo Việt Nam đã tiếp nối dòng chảy truyền thống, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa đạo pháp và dân tộc. Giáo hội luôn là thành viên tin cậy của MTTQVN, có nhiều đóng góp quan trọng xứng đáng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trong tất cả các lĩnh vực Kinh tế – Xã hội chung sức, đồng lòng cùng toàn dân phát triển xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống yên vui, hạnh phúc”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của GHPGVN và các tăng ni, Phật tử thực sự đã làm lay động trái tim hàng triệu đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng, chống dịch bệnh”.
Với Đại hội lần này, Chủ tịch nước tin tưởng từ chủ đề của Đại hội “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) và hoạch định chu đáo chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ IX (2022-2027); suy tôn, chư tôn giáo phẩm tiêu biểu vào HĐCM, suy cử những cá nhân tích cực vào HĐTS để điều hành Phật sự cả nước đạt những thành công mới.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của GHPGVN trong suốt 41 năm với công tác phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho GHPGVN. Nhân sự kiện trọng đại này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 01 cá nhân và Huân chương Lao động hạng Ba cho 10 cá nhân, tập thể của GHPGVN có nhiều đóng góp to lớn, luôn nhập thế tích cực "hộ quốc an dân", đồng hành cùng dân tộc.
Cuối phiên khai mạc là phần các tập thể, cá nhân tiêu biểu đón nhận bằng khen nhà nước các cấp. Chiều nay 28/11, Đại hội sẽ nước vào phiên làm việc thứ 2. Lễ bế mạc Đại hội diễn ra vào sáng 29/11./.