(Tổ Quốc) - Diễn ra từ ngày 18-20/2 tại Hà Nội, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp) là một trong các hoạt động, hội nghị quốc phòng - quân sự chính của ASEAN do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
- 18.02.2020 Nhiều quân khu có lãnh đạo mới
Theo đó, năm 2020, Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì hơn 20 hội nghị và hoạt động quân sự - quốc phòng của ASEAN. Trong đó, hoạt động chính sẽ gồm các sự kiện quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Lễ kỷ niệm 10 năm ADMM, Hội nghị Hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Diễn tập hàng hải quốc tế, Diễn tập hải quân đa phương ASEAN lần 2…
Theo VOV, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước ASEAN, Việt Nam đã chủ động đề xuất tổ chức diễn tập xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh lan rộng trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời khuyến khích Brunei và Australia đồng chủ trì nhóm chuyên gia ADMM+ về quân y đưa nội dung tương tự về ứng phó với dịch bệnh vào tình huống diễn tập thực binh trong kế hoạch hoạt động chu kỳ 2020-2023 của nhóm chuyên gia.
Cục Quân y Việt Nam sẽ báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam những nội dung hợp tác quân y ASEAN để Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ADMM/ADMM+ trong năm 2020 trao đổi với các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và các nước trong thời gian tới để đưa ra định hướng về chính sách về hợp tác quân y trong tương lai.
Báo Quân đội Nhân dân đưa tin, kể từ khi được thiết lập cho đến nay, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) tiếp tục thể hiện là cơ chế hợp tác và tham vấn quốc phòng cao nhất trong ASEAN, góp phần quan trọng xây dựng lòng tin, củng cố đoàn kết nội khối và không ngừng nâng cao vị thế của hiệp hội trên trường quốc tế. Tham gia ADMM, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, khẳng định vai trò của mình tại diễn đàn quốc phòng đa phương này.
Trải qua 13 kỳ hội nghị, với nhiều sáng kiến được thông qua và đang tích cực được triển khai, như: Sử dụng nguồn lực quân sự ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; Khuôn khổ hỗ trợ hậu cần ASEAN; Mạng lưới các trung tâm Gìn giữ hòa bình các nước ASEAN; Hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; Mạng lưới các chuyên gia quốc phòng ASEAN về hóa học, sinh học và phóng xạ; Khuôn khổ Hướng dẫn tránh va chạm trên không giữa các máy bay quân sự… ADMM đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường đoàn kết nội khối, phát huy vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối phó với các thách thức an ninh chung, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, thể hiện rõ nội lực và quyết tâm của các nước ASEAN trong thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh khu vực./.