(Tổ Quốc) - Phát biểu tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 khai mạc ở TP Đà Nẵng sáng 18/6, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Đồng hành với Chính phủ kiến tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nhà văn Việt Nam duy trì và nâng cấp trại sáng tác, đồng thời xây dựng giải thưởng văn học quốc gia để phát hiện và đào tạo nhân tài.
Sáng 18/6, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 khai mạc tại TP Đà Nẵng với sự tham dự của Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm…
Nhà văn viết để phục vụ đất nước, phục vụ con người và viết vì con người
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thông điệp xuyên suốt cũng như khẩu hiệu đặt ra ở hội nghị là "Vì sao chúng ta viết?". Theo đó, mỗi đại biểu phải tự luận giải và trả lời thông điệp này.
Bộ trưởng bày tỏ tâm đắc với phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong diễn văn khai mạc rằng, câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?" tuy không mới nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách vì mỗi khi con người ngồi xuống sáng tác văn chương thì phải tự trả lời câu hỏi: Viết để làm gì? Viết cho ai và trên tinh thần tư tưởng như thế nào?.
"Đó cũng là câu hỏi đặt ra cho những người làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa, phải hiểu đúng, hiểu sâu về văn học - một lĩnh vực hết sức tinh tế, để có cách nhìn và ứng xử đúng với tác phẩm văn học, đúng với công sức mà nhà văn đã bỏ ra trên cánh đồng nghệ thuật mà họ cày xới thẫm đẫm mồ hôi", Bộ trưởng nói.
“Tuổi trẻ là mùa xuân. Nhà văn trẻ là mùa xuân của khát vọng. Khát vọng đó là sự nối tiếp các mạch nguồn truyền thống, kế thừa, tôn trọng thế hệ đi trước, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, để có những tác phẩm đúng tầm thời đại về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, về những thành tựu của đất nước và cả về những khó khăn, trăn trở”
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hơn lúc nào hết, những người làm quản lý Nhà nước về văn hóa cần tôn trọng những quy luật riêng biệt của văn hóa - nghệ thuật, phải chia sẻ hơn với những lao động đặc thù của nhà văn. Nhà văn dấn thân để thực hiện thiên chức cao quý thì con đường đi của họ không chỉ phục vụ chính mình mà họ viết còn để phục vụ đất nước, phục vụ con người và viết vì con người.
"Văn học có chức năng nhận thức, chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Để thực hiện được những chức năng đó không hề đơn giản. Các thế hệ nhà văn đều dấn thân vì những chức năng cao quý này, sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính những tác phẩm văn học phong phú, đa dạng, nối tiếp nhau qua các thế hệ đã góp phần xây dựng và phát triển nền văn học của nước nhà, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, tôn vinh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ VHTTDL sẽ đồng hành với Hội Nhà văn Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ rằng, vẫn còn đó những băn khoăn, trăn trở, nhất là việc chưa có nhiều tác phẩm văn học có giá trị cao.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra ở Hà Nội vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt câu hỏi vì sao thiếu vắng những tác phẩm văn học có giá trị cao, cần làm gì để có được những tác phẩm như thế. Bộ trưởng Bộ VHTTDL nêu: "Phải chăng vấn đề này chạm đến trách nhiệm mà những người viết văn trẻ đang đau đáu, dấn thân?".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Bộ VHTTDL sẽ đồng hành với Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, cùng trả lời câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?".
Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực khó, nên xét ở góc độ quản lý Nhà nước, khó có một quy định pháp luật nào thật đầy đủ và bao quát. Muốn nhà văn cày xới được trên cánh đồng chữ nghĩa, Nhà nước phải tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi nhất, tạo ra động lực cho sự phát triển, nghĩa là bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo ra sức bật mới.
Bộ VHTTDL đã báo cáo với Chính phủ cho phép xây dựng một nghị định về hoạt động văn học - nghệ thuật và giao cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam để lắng nghe ý kiến.
"Tôi mong rằng, các cuộc hội thảo giữa Bộ VHTTDL và Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian tới sẽ xây dựng được cơ sở pháp lý cho hoạt động văn học - nghệ thuật để đáp ứng được thực tiễn đang vận động và phát triển", Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh: "Đồng hành với quan điểm Chính phủ kiến tạo, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội Nhà văn Việt Nam để thực hiện những công việc cụ thể, thiết thực; làm những việc dễ trước, việc khó sau; làm việc nào chắc việc đó; đi từ cái đơn giản đến cái phức tạp. Chúng tôi đã bàn với Thường trực Hội Nhà văn Việt Nam về việc duy trì và nâng cấp trại sáng tác thì phải xây dựng được giải thưởng văn học quốc gia để phát hiện và đào tạo nhân tài".
Đồng thời, cần khẩn trương hiện thực hóa đề án về nâng cao năng lực sáng tác, lý luận và phê bình văn học giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 11/2021 đặt ra mục tiêu: Hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học - nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước…
Bộ trưởng tin tưởng chắc chắn những nhà văn trẻ sẽ là chủ nhân của những giải thưởng nói trên. Bộ VHTTDL sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, chắp cánh cho những tài năng trẻ với tất cả sự trân trọng, quý mến, tin yêu.
"Tuổi trẻ là mùa xuân. Nhà văn trẻ là mùa xuân của khát vọng. Khát vọng đó là sự nối tiếp các mạch nguồn truyền thống, kế thừa, tôn trọng thế hệ đi trước, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, để có những tác phẩm đúng tầm thời đại về xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, về những thành tựu của đất nước và cả về những khó khăn, trăn trở", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, nếu chúng ta rời bỏ câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?" thì nghĩa là rời bỏ sứ mệnh của nhà văn, rời bỏ bản chất của văn học trong toàn bộ lịch sử phát triển nhân văn của nó.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, các nhà văn trẻ có mặt tại hội nghị và các nhà văn trẻ đang sống, sáng tạo trên mọi miền của đất nước sẽ là chủ nhân của nền văn học Việt Nam trong tương lai gần. Đấy là dòng chảy không thể thay đổi của đời sống.
Lịch sử phát triển văn học Việt Nam minh chứng rằng, mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc.
Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc.
Qua mỗi thế hệ nhà văn, di sản của nền văn học Việt Nam lại đầy thêm với sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật sáng tạo và làm ra những giá trị mỹ học mới. Tiếng Việt, tâm hồn Việt, minh triết Việt qua mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam lại được mở rộng chiều kích của mình.
"Các nhà văn trẻ hôm nay được tiếp xúc với những nền văn học và văn hóa phong phú và khác biệt hơn các thế hệ nhà văn đi trước, được tiếp nhận nhiều hơn những thông tin đa chiều, có nhiều điều kiện công bố tác phẩm hơn và được sống trong một nền dân chủ ngày càng rộng mở. Nhưng điều mang tính sống còn của mọi nhà văn và mọi nền văn học là lương tri… Lương tri của nhà văn chính là làm ra vẻ đẹp của ngôn từ, làm ra tư tưởng sâu sắc của đời sống và phải luôn luôn quả cảm đấu tranh cho lẽ phải", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Hội nghị có 138 đại biểu tham dự, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước. Đây là số lượng đại biểu có mặt nhiều nhất nếu so sánh với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Đông nhất là chuyên ngành thơ và văn xuôi; tiếp đến là lý luận, phê bình văn học và cuối cùng là dịch thuật.
Tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, hiện là học sinh THPT tại TPHCM.
Trong khuôn khổ hội nghị, có 2 hội thảo thơ và văn xuôi, tập trung bàn về thái độ và trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, xã hội và trả lời câu hỏi "Vì sao chúng ta viết?"; 1 tọa đàm "Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Bên cạnh đó, các đại biểu còn thăm, tặng quà thầy trò Trường Hy Vọng - nơi nuôi dạy các em nhỏ mồ côi sau đại dịch COVID-19; đi thực tế tại địa phương và tham gia Gala thơ, nhạc…