• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú

Văn hoá 07/11/2022 10:13

(Tổ Quốc)- Tối 6/11, tại tại Quảng trường Bạch Đằng thành phố Sóc Trăng, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V tại Sóc Trăng năm 2022, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển”.

Dự chương trình có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương và các tỉnh tham gia Ngày hội.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội (ảnh daidoanket.vn)

Ngày hội là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, nhằm tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong xu thế hội nhập của đất nước, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ Khai mạc có sự tham gia của trên 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng người Khmer 12 tỉnh, thành phố (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh) và có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giới thiệu, quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 2.

Các đại biểu dự lễ khai mạc Ngày hội

Lễ khai mạc Ngày hội có 2 phần chính. Phần lễ và nghệ thuật, được chia thành 2 chương: Chương 1 “Ngày hội Samaki”, chương 2 “Sóc Trăng - Hội tụ và lan tỏa” với nhiều chương trình ca múa nhạc thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia của đồng bào Khmer Nam bộ với các dân tộc Kinh - Hoa trong quá trình khai phá, xây dựng vùng đất “Chín rồng”, thể hiện Sóc Trăng nơi hội tụ văn hóa của các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Đặc biệt tại Lễ khai mạc đã công bố Logo du lịch Sóc Trăng và kỷ lục Guinness Lễ hội Óoc-om-bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ niềm vui mừng được tham dự Ngày hội. Đồng thời nhấn mạnh: "Văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước".

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Từ đó đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm, 4 nhóm giải pháp chủ yếu chấn hưng văn hóa để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 3.

Tái hiện Đua ghe Ngo tại Lễ khai mạc

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ V, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer; là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc, độc đáo của các nghệ sỹ, nghệ nhân chuyên và không chuyên và đua ghe Ngo truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, nhất là đồng bào Khmer tổ chức Ngày hội phải gắn liền với việc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm; giải pháp chủ yếu trong bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm đậm tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 4.

Ngày hội được Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành đối với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Khmer nói riêng có dịp bày tỏ tình cảm, niềm tin yêu của mình đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng lưu ý, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc Khmer nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình chứ không thể nhờ ai giữ cho mình được. Vì vậy, đồng bào dân tộc Khmer cùng nhau thực hiện tốt phương châm, người đi trước truyền lại cho người đi sau; ông, bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu; cộng đồng học hỏi lẫn nhau, với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc mình. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tài nguyên văn hóa gắn với phát triển du lịch để văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa cơ hội tạo thêm việc làm, đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, gắn văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 5.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Ngày hội

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định, kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Khmer Nam bộ nổi tiếng với nghệ thuật múa (như múa Răm vông, Lăm leo, Sarvan), nghệ thuật sân khấu độc đáo và đặc sắc (với các loại hình sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù kê). Bên cạnh đó, gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh, đồng bào Khmer Nam bộ đã bảo tồn được hệ thống kiến trúc Chùa Phật giáo Nam tông - đây vừa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam bộ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ còn đa dạng, phong phú bởi hệ thống các lễ hội, bởi kho tàng văn học dân gian đồ sộ - từ tục ngữ, dân ca, truyện dân gian, thần thoại, truyền thuyết…gắn bó lâu đời trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.

Các giá trị văn hóa đặc sắc ấy đã và đang được đồng bào Khmer Nam Bộ bảo tồn, phát huy trong đời sống hàng ngày, phát triển hài hòa trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng. Chính vì lẽ đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer Nam Bộ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện, coi đó là nguồn nội lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Khai mạc Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam bộ: Lan tỏa văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú  - Ảnh 6.

BTC trao cờ cho các đơn vị tham gia Ngày hội

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tin tưởng, thông qua Ngày hội người dân và du khách thập phương sẽ được hòa mình cùng không khí sôi động của các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, của lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, các môn thi đấu thể thao do nghệ nhân, diễn viên, vận động viên Khmer Nam Bộ trình diễn, thể hiện sức mạnh của sự hội tụ, tỏa sáng với tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển.

Phát biểu chào mừng Ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn bày tỏ vinh dự khi tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII và Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022. Với sự chuẩn bị chu đáo, Sóc Trăng tin tưởng và kỳ vọng thông qua Ngày hội sẽ để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng quý đại biểu, người dân và du khách gần xa. Đồng thời, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh, cùng nhau đầu tư, hợp tác phát triển Sóc Trăng - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đậm đà bản sắc văn hóa của vùng sông nước Nam Bộ./.

Ngày hội do Bộ VHTTDL phối hợp cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, diễn ra từ ngày 2 đến 8/11, trong đó 3 ngày chính là 6, 7 và 8/11. Ngày hội có sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bình Phước, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, TP. Cần Thơ và TP.HCM. Trong khuôn khổ Ngày hội, kết hợp tổ chức Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực ĐBSCL.

Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mang đậm bản sắc đồng bào Khmer Nam Bộ như trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm; trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực của vùng miền. Các hoạt động thi đấu thể thao kéo co, bóng đá (5 người), đẩy gậy, chạy việt dã, bi sắt, cờ ốc, đua ghe Ngo. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trưng bày giới thiệu các ấn phẩm du lịch, các chương trình tour tham quan giới thiệu điểm đến của các địa phương.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ