(Tổ Quốc) - Tối 14/7, tại Công viên bờ đông cầu Rồng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ khai mạc “Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024”.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, "Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024" với chủ đề "Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt" là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa tỉnh Ninh Thuận với TP Đà Nẵng trên lĩnh vực văn hóa và du lịch; là dịp để quảng bá nét đẹp văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù và ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận đến với nhân dân, du khách trong nước và quốc tế tại TP Đà Nẵng và các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Hoạt động này nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Thuận với TP Đà Nẵng và các tỉnh Duyên hải miền Trung; đa dạng hóa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận; thu hút khách du lịch, góp phần tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh Ninh Thuận trong những tháng cuối năm và thời gian tới.
"Với truyền thống hiếu khách, thân thiện và khát vọng vươn lên của cán bộ và nhân dân Ninh Thuận, chúng tôi sẵn lòng chào đón và đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các nhà đầu tư bất động sản du lịch trong và ngoài nước. Tại đây, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động kinh doanh du lịch phát triển bền vững, các doanh nghiệp thực hiện thành công dự án của mình", ông Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đánh giá cao sự quan tâm định hướng thu hút đầu tư của tỉnh cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân đã tạo nên diện mạo mới cho du lịch Ninh Thuận đầy quyến rũ.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nhấn mạnh, "Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận" được tổ chức tại Đà Nẵng là quyết tâm kết nối trên tuyến hành trình nhiều điểm đến, hình thành chuỗi giá trị du lịch đa dạng hơn, hấp dẫn hơn, mở ra nhiều cơ hội mới cho những ý tưởng đầu tư phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo có sự chia sẻ, bổ sung cho nhau giữa Đà Nẵng với Ninh Thuận và các địa phương duyên hải Nam Trung bộ.
"Nhân sự kiện này, tôi kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư, các hãng hàng không, hãng du thuyền tàu biển và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng vào cuộc, cùng liên kết hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch kết nối các điểm đến Ninh Thuận với cả nước qua Đà Nẵng là trung tâm đầu mối của miền Trung. Đề nghị tỉnh Ninh Thuận quan tâm hơn nữa trong thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quyết tâm đưa du lịch Ninh Thuận phát triển vươn tầm khu vực và thế giới", ông Hà Văn Siêu chia sẻ.
Diễn ra từ ngày 13-15/7 tại khu vực Công viên bờ đông cầu Rồng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), "Ngày văn hóa, du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024" có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn như: Chương trình nghệ thuật đặc sắc khai mạc sự kiện; trình diễn và trải nghiệm làm gốm Chăm và dệt thổ cẩm; trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc như: đàn Chapi, trống Ghi năng, mả la, múa Chăm…
Bên cạnh đó, sự kiện còn có 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu về nét đẹp văn hóa, du lịch; các điểm đến, danh lam thắng cảnh rất đặc sắc, khác biệt; sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù, đặc sản của các địa phương và các món ẩm thực đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận…
Du khách sẽ được tận mắt chứng kiến bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm trình diễn chế tác sản phẩm truyền thống; được thưởng thức tiếng đàn Chapi, tiếng đàn đá, điệu múa Chăm uyển chuyển dịu dàng, tiếng trống Ghi năng ngất ngày lòng người, tiếng khèn bầu và tiếng mả la vang dội núi rừng.
Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, với khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm ít chịu ảnh hưởng của bão mà các nhà địa lý học ví như "vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á"...
Ninh Thuận có bờ biển dài hơn 105 km, với đa dạng chủng, loài hải sản, được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, có Vườn Quốc gia Núi Chúa và Vườn Quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh, trong đó Vườn Quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; có vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, là một trong 08 vịnh đẹp nhất Việt Nam...
Nghệ thuật làm gốm của Người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; Lễ hội Katê, nghệ thuật văn hóa Chăm với những làn điệu dân ca, múa Chăm, cùng với các nghề truyền thống và những phong tục tập quán, các nghi lễ tín ngưỡng của người Chăm, các tháp Chăm cổ kính như: Tháp Pôklông Garai, Tháp Pô Rômê, Tháp Hòa Lai hầu như còn nguyên vẹn... đã trở thành những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của nền văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận với khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như cây Nho, măng tây xanh, táo, tỏi, chăn nuôi dê, cừu.
Để phát triển du lịch Ninh Thuận tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhằm thực hiện mục tiêu đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững vào năm 2030; Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm để hình thành hệ thống khách sạn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, hấp dẫn; đồng thời, đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh thành phố trong khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thống kê của ngành chức năng, 6 tháng đầu năm, Ninh Thuận đón gần 2 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch trên địa bàn ước đạt 2.242 tỷ đồng, tăng 64,9% so cùng kỳ năm 2023. Trong năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt 3,1 triệu lượt, doanh thu ước đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.