(Cinet)- Chiều 21/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ Khai mạc Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.
Một tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán (Nguồn: vietnamfineart.com.vn) |
(Cinet)- Chiều 21/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ Khai mạc Triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.
Đến dự cuộc triển lãm đặc biệt này có họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Phan Văn Tiến - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… cùng nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc tên tuổi khác.
Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm, chủ yếu là tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán nằm trong bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Được biết, những tác phẩm tranh khắc gỗ và mộc bản đều là kết quả làm việc và sáng tác nghệ thuật miệt mài của họa sĩ Trần Nguyên Đán trong 45 năm (từ 1970 - 2015). Sự nghiệp của họa sĩ Trần Nguyên Đán khá đồ sộ, tranh ông hiện có mặt trong nhiều bảo tàng nổi tiếng của Việt Nam như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Đà Nẵng… Xem tranh của Trần Nguyên Đán, người ta có thể nhận ra nét truyền thống phảng phất đan cài trong những tác phẩm đồ họa hiện đại, như lối in hiện đại nhiều màu, nhiều sắc độ từ một bản gỗ duy nhất.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, đây là triển lãm đặc biệt, thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. Bộ sưu tập lại càng có giá trị khi sưu tập được cả những sáng tác đầu tay khi mới vào nghề của họa sĩ Trần Nguyên Đán cho tới những tác phẩm mới được ông hoàn thành ở tuổi 75.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, bà cảm thấy tự hào khi đã sưu tập được hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Trần Nguyên Đán. “Đây là họa sĩ có nhiều tác phẩm như cây cầu nối truyền thống với hiện đại”, bà Thu Hòa nói. “Đây là họa sĩ đầu tiên tôi sưu tập được tác phẩm một cách hệ thống, từ những tác phẩm đầu tay khi họa sĩ còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới những sáng tác gần đây của ông”.
Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn sẽ có thêm nhiều những người sưu tập đi theo từng họa sĩ và hình thành những bộ sưu tập trọn đời. Bởi ở Việt Nam, nhiều họa sĩ hiện nay không muốn hoặc không có điều kiện để giữ lại những tác phẩm làm nên dấu ấn, thương hiệu, và phong cách của mình. Do vậy, rất cần thêm các nhà sưu tập để gìn giữ những di sản hội họa, qua đó có thể giới thiệu tới công chúng những gương mặt ấn tượng với những tác phẩm giàu giá trị, giàu tính nhân văn.
T.Thủy (Tổng hợp)