(Cinet) - Trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” vừa chính thức khai mạc vào sáng 12/4 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Số 1 Tràng Tiền, Hà Nội).
Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Phú Thọ, Bảo tàng Lâm Đồng, Bảo tàng Bình Dương, Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn, Viện Goethe Hà Nội và 3 Bảo tàng Quốc gia Đức là: Herne, Chemnitz, Reiss-Engelhorn phối hợp tổ chức.
Dự lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” gồm có: TS Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Đại sứ Phạm Sanh Châu - trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao; PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, các Bảo tàng thuộc Bộ VHTTDL; các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển quốc gia Hàn Quốc; đại diện Viện Khảo cổ học Quốc gia Đức cùng đông đảo người yêu khảo cổ Việt Nam.
![]() |
Khuyên tai hai đầu thú; Hạt chuỗi vàng (Giồng Cá Vồ, Tp. Hồ Chí Minh). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định: Trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm giúp những người Việt Nam và khách tham quan của Việt Nam được chiêm ngưỡng sâu sắc hơn thành tựu khảo cổ học của chúng ta từ khi lập nước tới nay, nhưng quan trọng hơn là được tiếp cận một cách nhìn về lịch sử, đất nước, dân tộc Việt Nam chúng ta qua các thời đại đặc biệt từ giai đoạn 500.000 năm trước đây cho đến giai đoạn Tiền sơ sử và Kim khí và đến giai đoạn Phong kiến quân chủ qua thăng trầm lịch sử. Với sự nỗ lực của các nhà khảo cổ học Việt Nam, sự phối hợp tổ chức của các nhà khảo cổ học Đức và nhiều nhà khảo cổ học quốc tế, chúng ta đã có một chương trình nghiên cứu trong các giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cũng như trong các thời kỳ khác nhau để có một bộ sưu tập hiện vật trải dài phản ánh các nền văn hóa, văn minh của tổ quốc chúng ta đa dạng trọng thống nhất từ Đông Sơn (Đại Việt) cho đến Sa Huỳnh, Chăm Pa ở Miền Trung và Đồng Nai, Óc Eo ở miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc trưng bày này chúng tôi cố gắng khắc họa toàn bộ diện mạo lịch sử của dân tộc thông qua các hiện vật khảo cổ học đặc trưng được khai quật từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đến nay. Nhưng điều đó cũng đủ để chứng minh một nền tàng khoa học xác định được diện mạo văn hóa, văn hiến, văn minh của Việt Nam.
![]() |
Mô hình nhà bằng đất nung. |
Gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII), với 3 nội dung chính: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử” giới thiệu trong trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” giúp công chúng trong nước hiểu một cách sâu sắc hơn những thành tựu khảo cổ học của nước nhà từ 1945 tới nay, đồng thời được tiếp cận một cách nhìn về lịch sử, đất nước, dân tộc Việt Nam qua các thời đại đặc biệt.
Trước đó, trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” đã tổ chức thành công tại Đức (từ 2016 - 2/2018), thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, giúp người dân Đức và châu Âu hiểu biết hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thông qua các tài liệu, hiện vật, phát hiện qua các đợt nghiên cứu và khai quật khảo cổ học, trong đó có những đóng góp và kết quả hợp tác của các nhà khảo cổ học Việt Nam và CHLB Đức.
![]() |
Vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý – Trần. |
Trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội) từ nay đến tháng 7/2018./.
Anh Vũ