Khai thác hiệu quả các giá trị của lễ hội và sự kiện để phát triển du lịch
(Tổ Quốc) - Việc đánh giá về giá trị lễ hội và sự kiện của miền Trung phải gắn liền với tài nguyên to lớn: di sản văn hóa của vùng đất này. Khai thác các giá trị của di sản để phục vụ du lịch thông qua các lễ hội và sự kiện là công việc quan trọng. Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế đã phát huy các giá trị của di sản để tạo lợi thế và khác biệt cho điểm đến, có năng lực cạnh tranh rất cao trong khu vực ASEAN.
Đó là những nhận định được nêu tại hội thảo "Phát huy giá trị sự kiện, lễ hội thúc đẩy tăng trưởng du lịch tại Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế" do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Chi hội Lữ hành Đà Nẵng tổ chức chiều 8/10. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch Đà Nẵng 2023 và kỷ niệm 10 năm thành lập Chi hội Lữ hành Đà Nẵng.
Điểm sáng của du lịch Việt Nam và châu Á
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế là một điểm sáng liên kết địa phương trong việc xác định bản nguyên, hình thành sản phẩm, triển khai hoạt động xúc tiến du lịch. Mô hình này đã thành công trong nhiều năm qua, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế thực sự trở thành trục tăng trưởng khách mới của cả nước, đóng góp một phần quan trọng trong thành công chung của du lịch Việt Nam, đặc biệt năm 2019 thu hút hơn 18 triệu lượt khách quốc tế.
"Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực điểm đến đa dạng về sản phẩm du lịch, phối hợp phong phú, tạo lợi thế và khác biệt cho điểm đến, có năng lực cạnh tranh rất cao trong khu vực ASEAN. Chúng tôi đã phát huy giá trị sự kiện và lễ hội trong nhiều năm qua, minh chứng cụ thể là Đà Nẵng đã 2 lần được tổ chức giải thưởng du lịch thế giới công nhận là Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á (Asia's Leading Festival and Event Destination) vào năm 2016 và 2022", ông Dũng nói.
Hội thảo lần này tập trung bàn thảo 4 nội dung: kiểm kê, đánh giá các giá trị của lễ hội, sự kiện của 3 địa phương để khai thác tốt nhất; lựa chọn lễ hội, sự kiện nào để hình thành chuỗi sự kiện công bố cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tập trung khai thác; vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc khai thác giá trị lễ hội, sự kiện; trao đổi về kinh nghiệm của một số quốc gia, một số điểm đến thành công trong việc khai thác các giá trị lễ hội, sự kiện ở các địa phương.
Làm tốt công tác quảng bá lễ hội
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh về sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế trong những năm qua. Ông cho rằng, các địa phương này có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch: con đường di sản miền Trung đi qua 3 địa phương với hệ thống di sản thế giới đồ sộ đã được UNESCO công nhận; hệ thống giao thông thuận lợi…
Trong đó, Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...,cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm từ xưa để lại. Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam gồm: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển.
"Tuy nhiên, du lịch của 3 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng. Hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy giá trị lễ hội, sự kiện trong phát triển du lịch", ông Hà Văn Siêu nhận định.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề xuất Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế cần lựa chọn một vài lễ hội, sự kiện tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách.
Các lễ hội này cần được lựa chọn căn cứ vào tầm quan trọng, tính chất của lễ hội, giá trị của di tích; đồng thời, căn cứ vào thời gian diễn ra lễ hội và khả năng kết nối với các điểm đến trên địa bàn tỉnh để hình thành các tour. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá lễ hội đến với du khách; nắm bắt xu hướng du lịch và nhu cầu của du khách để xúc tiến các thị trường khách phù hợp với sản phẩm; kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách về lễ hội; tổ chức đa dạng các dịch vụ phục vụ khách.
"Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng, những nỗ lực kết nối, hợp tác du lịch của Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với các địa phương sẽ góp phần thực hiện hiệu quả phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện". Đây cũng là kim chỉ nam để toàn ngành Du lịch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ và hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững", Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, thời gian qua 3 địa phương có nhiều sự kiện nổi bật lớn để thu hút khách. Riêng với Đà Nẵng, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoạt động du lịch Đà Nẵng đã tổ chức thành công sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á – Routes Asia 2022, tiếp đó là chuỗi sự kiện như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Tận hưởng mùa hè; Lễ hội Du lịch golf Đà Nẵng…
"Nhờ các sự kiện được tổ chức thường xuyên, liên tục Đà Nẵng đã 2 lần được vinh danh là Điểm đến sự kiện Lễ hội hàng đầu châu Á, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển, tăng trưởng của du lịch Đà Nẵng. Trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế, quảng bá điểm đến Đà Nẵng, thông qua sự kiện như vậy thì khách sẽ đến và tham gia vào các sự kiện. Để làm được các sự kiện lớn cần có sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền thành phố, sở ban ngành, sự tham gia đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp…", ông Bình nói.
Hỗ trợ vùng đất có lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống
Nói về du lịch MICE, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, sau COVID-19, ở Việt Nam, MICE là loại hình du lịch phát triển nhanh nhất.
Tại khu vực miền Trung, trọng tâm là 3 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, du lịch MICE phát triển nhanh chóng. Sự phát triển nhanh về hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cùng sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp du lịch trẻ đã tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển du lịch nói chung và du lịch MICE nói riêng. Miền Trung trở thành trung tâm MICE hàng đầu của cả nước.
Trước đây, công việc chủ yếu của doanh nghiệp du lịch trong các sự kiện MICE là chăm sóc, đáp ứng nhu cầu của những người tham dự MICE. Ngày nay, công việc của du lịch MICE mở rộng hơn sang lĩnh vực tư vấn, tổ chức, hoặc tham gia một phần tổ chức các hoạt động MICE, đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh MICE phải nâng cao năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng tổ chức, đẩy mạnh các loại hoạt động. Đó là thách thức lớn đối với doanh nghiệp MICE cả về nhân lực lẫn nguồn lực, đặc biệt là sau giai đoạn COVID-19.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, việc đánh giá về giá trị của lễ hội và sự kiện của miền Trung phải gắn liền với tài nguyên to lớn: di sản văn hóa của miền Trung. Khai thác các giá trị của di sản để phục vụ cho du lịch thông qua các lễ hội và sự kiện là công việc hết sức quan trọng.
Theo ông Vũ Thế Bình, khi tiếp nhận hoạt động MICE, các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu kỹ nội dung và mục tiêu của sự kiện, tốt nhất chỉ nên tập trung cung cấp các dịch vụ cho những người tham gia MICE.
"Để phát huy các giá trị của sự kiện và lễ hội, các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các sản phẩm du lịch, cần hỗ trợ các vùng đất có những lễ hội, hoặc những hoạt động văn hóa truyền thống có khả năng phát triển thành sản phẩm du lịch độc đáo của vùng, miền. Cần tăng cường hỗ trợ những địa phương này để có những lễ hội, sự kiện phù hợp", ông Vũ Thế Bình nói.
Lễ hội truyền thống truyền tải cảm xúc của con người địa phương
TS. Lê Xuân Thông - Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, lễ hội truyền thống tượng trưng cho bản sắc văn hóa của địa phương và truyền tải cảm xúc của con người ở vùng đất đó.
Về giải pháp khai thác lễ hội để thúc đẩy phát triển du lịch, TS. Lê Xuân Thông đề xuất cần chú trọng khai thác lợi thế hiện có; chú trọng khai thác du lịch đường thủy, đường sông và đường biển; xác định lễ hội hạt nhân, chú trọng gắn kết với nhiều lễ hội và sự kiện văn hóa khác cùng chung sắc thái văn hóa truyền thống để tạo nên chuỗi lễ hội, sự kiện, cả những sinh hoạt văn hóa trong không gian địa lý rộng mở và không gian văn hóa - lịch sử đa dạng.
Bên cạnh đó, cần đặt mục tiêu thỏa mãn tối đa ngũ giác của du khách. "Lễ hội còn phải được đặt trong bối cảnh, không gian vốn có và thực hành qua thời gian dài; đồng thời bảo đảm chủ thể sáng tạo và thực hành di sản cũng như tất cả mọi đối tượng tham gia vào hoạt động khai thác", TS. Lê Xuân Thông nói.