• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai thác sáng tạo phát huy các di sản trong lòng Hà Nội

Văn hoá 23/11/2023 16:05

(Tổ Quốc) - Ngày 23/11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Đại học Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy".

Di sản công nghiệp- vấn đề "nóng" của thủ đô

Tọa đàm được dẫn dắt bởi các diễn giả Tiến sĩ - Kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Thùy Linh và Thạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Ninh đã đem tới những phân tích và góc nhìn chuyên môn kiến trúc để trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để tận dụng hiệu quả tiềm năng của những di sản công nghiệp lâu dài, bền vững?".

Khai thác sáng tạo phát huy các di sản trong lòng Hà Nội - Ảnh 1.

Không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp”, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp.

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, gắn với từng giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Các di sản công nghiệp đều mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử, xã hội, khoa học và giá trị thẩm mỹ.

Di sản công nghiệp của thành phố Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không đơn thuần chỉ là những công trình kiến trúc, mà đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công dân Thủ đô, là minh chứng sống động cho một giai đoạn khó khăn trong lịch sử dân tộc nói chung và Hà Nội nói riêng.

Hà Nội có hơn 100 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô. Trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân và cản trở phát triển đô thị. Trong quá trình di dời, đối với những công trình xây dựng có giá trị về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, công tác bảo tồn, phục chế tôn tạo theo quy định của Luật Di sản văn hóa cần được triển khai, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích công cộng.

Đây là nguồn lực tiềm năng cho việc chuyển đổi, xây dựng thành các không gian sáng tạo, một cơ hội lớn để giúp phát triển nền kinh tế văn hóa của thành phố, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững. Không những vậy, cơ hội về một hệ sinh thái mở cho các các doanh nghiệp lớn nhỏ, các đơn vị tổ chức sự kiện, các tổ chức xã hội hợp tác cùng phát triển đem lại tiềm năng về một nền kinh tế bền vững.

Trên thực tế, mô hình tái thiết công xưởng, nhà máy trở thành không gian hiện đại, sáng tạo đã được thực hiện thành công và đem lại những tác động tích cực tới cộng đồng tại địa phương. Các tổ hợp sáng tạo được nhiều người Hà Nội quen thuộc như: Complex 01, 282 Design, Zone9, Hanoi Creative City … là những minh chứng cho sự chuyển đổi thành công này. Các tổ hợp sáng tạo của thành phố như Complex 01 vốn là Nhà máy in Công đoàn, 282 Design được tái thiết từ Nhà máy Mũ cối, hay Trung tâm văn hóa Pháp được xây trên nền Nhà máy in Báo Nhân dân cũ, tổ hợp Zone9 hình thành từ cơ sở sản xuất của xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2… Tuy có tổ hợp còn tồn tại, có tổ hợp tạm dừng hoạt động do các yếu tố khách quan, song có thể khẳng định hiệu quả hoạt động của các không gian sáng tạo được cải tạo từ cơ sở công nghiệp cũ là không thể phủ nhận.

Khai thác sáng tạo phát huy các di sản trong lòng Hà Nội - Ảnh 2.

Quang cảnh tọa đàm

Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội

Bàn về lý do lựa chọn đề tài "Tái thiết các di sản trong lòng Hà Nội tiếp cận từ khai thác sáng tạo và phát huy" làm chủ đề cho buổi tọa đàm, TS Vương Hải Long, Trưởng Khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề về di sản, hiện là một trong những chủ đề rất nóng của đô thị phát triển.

"Trong quá trình phát triển, chúng ta có những công trình cũ. Tuy chúng có thể không còn giá trị sử dụng, có thể lạc hậu so với cuộc sống và thời đại nhưng ẩn chứa sâu bên trong có rất nhiều những giá trị về lịch sử, văn hóa mà chúng ta cần xem xét trước khi xóa bỏ chúng. Chúng ta cần phải ứng xử với những công trình này một cách nhân văn nhất để lưu giữ lại những tiến trình phát triển của đô thị, từ đó tạo ra các lợi ích về mặt xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế", Trưởng Khoa Kiến trúc - Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, TS Đinh Thị Hải Yến đã trình bày kết quả của những nghiên cứu cụ thể về công tác đánh giá giá trị di sản, khía cạnh liên quan đến sự lỗi thời của công trình và tái sử dụng thích ứng di sản thông qua các mô hình quốc tế đang thịnh hành. Theo đó, có những tiêu chí giúp nhận định chi tiết về các khía cạnh của di sản như yếu tố lịch sử, xã hội, khoa học, thiết kế,...Thông qua đó, giới nghiên cứu sẽ có cái nhìn khách quan để đánh giá và nhận định giá trị, xác định tiềm năng bảo tồn của một di sản.

Khai thác sáng tạo phát huy các di sản trong lòng Hà Nội - Ảnh 3.

TS Đinh Thị Hải Yến

Theo TS Đinh Thị Hải Yến cho biết: Hiện nay Hà Nội có 185 công trình công nghiệp. Trong đó, 95 công trình còn hiện hữu, 90 công trình đã bị phá hủy và chuyển đổi. Trước năm 1945, có các công trình công nghiệp là Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu Hà Nội, Nhà máy Điện Yên Phụ, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Tới giai đoạn 1954-1965 có 24 công trình, giai đoạn 1965-1975 có 12 công trình và giai đoạn 1975-1986 có 10 công trình...

Các di sản công nghiệp có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử và thẩm mỹ, xã hội. Rất nhiều di sản có giá trị sâu sắc về tinh thần với người dân. Bởi chúng đóng vai trò quan trọng trong quá khứ, gắn liền với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời. Vậy nên di sản công nghiệp xưa cũ luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại.

"Tuy nhiên bài toán đặt ra thời điểm này là làm thế nào để "đánh thức" tiềm năng công nghiệp văn hóa đang ngủ yên của các di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, khi các công tác cải tạo và chuyển đổi di sản công nghiệp vẫn chưa thực sự có sức ảnh hưởng hiệu quả" - TS Đinh Thị Hải Yến nói.

Qua đó, TS Đinh Thị Hải Yến cho rằng, các chính sách và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, tái thiết để "vực dậy" chuỗi di sản công nghiệp. Chính quyền nên đề ra kế hoạch điều phối quy hoạch cụ thể để xử lý các khúc mắc trong công tác giữ gìn và phát triển di sản nói chung và di sản công nghiệp nói riêng trên địa bàn Hà Nội.

"Thiết nghĩ, chúng ta nên tìm được tiếng nói chung về định hướng của chính quyền, Nhân dân và các nhà đầu tư để việc tái thiết di sản công nghiệp có thể hoạt động hiệu quả. Các cơ quan, ban ngành quản lý cần đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng các khía cạnh về giá trị của di sản công nghiệp trước khi lên kế hoạch tái thiết, sửa đổi không gian. Dựa vào đó, các nhà đầu tư tiềm năng sẽ xác định được con số cụ thể nhằm tái thiết lại không gian di sản hợp lý. Nhà đầu tư cần nắm được họ nên giữ lại những gì của di sản và sửa đổi, xây mới phần nào của các công trình cũ. Nếu có được sự hài hòa ấy thì việc khai thác di sản công nghiệp sẽ đáp ứng hiệu quả cho phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô trong tương lai" – TS Đinh Thị Hải Yến đề xuất.

Khu tập thể cũ là nội dung được ThS. KTS Nguyễn Việt Ninh đi sâu nghiên cứu. Theo Nguyễn Việt Ninh, các khu tập thể cũ chứa đựng nhiều giá trị: Giá trị về mặt lịch sử giá trị về nghệ thuật kiến trúc, giá trị về kỹ thuật – công nghệ; giá trị về văn hóa- xã hội, giá trị sử dụng… Vì vậy, việc tái thiết và phát huy giá trị các khu tập thể cũ trong thời kỳ hiện nay là rất cần thiết để bảo tồn các giá trị cũ, đồng thời cần kết nối với hệ sinh thái xung quanh nhằm tạo sự đồng bộ, cũng như đảm bảo lợi ích cho người dân.

Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có văn hóa sáng tạo. Thành phố đã có những nghị quyết, kế hoạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao. Dù việc chuyển đổi các di sản đô thị, di sản công nghiệp cho hoạt động sáng tạo sẽ là một quá trình lâu dài, từ chuyển biến nhận thức tới hành động, song những lợi ích từ hoạt động sáng tạo mang lại, nhất là thành công bước đầu của một số mô hình tại Hà Nội sẽ mở ra cơ hội lớn cho các di sản khác./.

Trong khuôn khổ tọa đàm cũng đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi thiết kế biểu tượng "ICONIC DESIGN" do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức. Phong cách kiến trúc "ICONIC DESIGN" trong các công trình công nghiệp nói chung và công trình công nghiệp nhẹ nói riêng đang trở thành xu hướng thiết kế tất yếu trong tương lai giúp cho mỗi nhà máy sẽ có những cá tính riêng đồng thời làm mềm mại hơn, đổi mới hơn phong cách truyền thống của kiến trúc công nghiệp.

Thông qua cuộc thi, mỗi sinh viên kiến trúc sẽ tiếp cận được với thực tiễn của kiến trúc công nghiệp và sẽ là hành trang quý báu giúp các bạn tự tin hơn khi ra trường.

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ