(Tổ Quốc) - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, trong đại dịch Covid-19, trong sinh tử của dân tộc mà những cán bộ cấp cao còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì đây là tội rất lớn và phải xử lý thật nghiêm.
Chiều 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã tiến hành kỳ họp bất thường, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với hai Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Sai phạm của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long được xác định có liên quan đến vụ việc tại Công ty công nghệ Việt Á, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS. TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an về những sai phạm của hai cán bộ này.
- Những vi phạm của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long xảy ra ngay khi cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, ông đánh giá ra sao về điều này?
+ Theo tôi, những vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long phải xét trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, với tư cách người đứng đầu một cơ quan trực thuộc Chính phủ, hành vi của ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho thấy hai người này đã không làm tròn trách nhiệm của một Bộ trưởng.
Thứ hai, với tư cách là nhà khoa học, cả hai cũng đều không làm đúng chức phận của một nhà khoa học.
Và thứ ba, đáng buồn nhất, đó là phương diện về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Những người này đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.
Nếu chỉ dừng lại ở trách nhiệm không làm tròn của người đứng đầu cơ quan tổ chức, hay trách nhiệm của một nhà khoa học thì mức độ xử lý sẽ khác, nhưng khi đã suy thoái về tư tưởng đạo đức, tư cách và cả lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi thì việc này phải được xử lý rất nghiêm, sẽ không chỉ dừng lại ở kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính mà sẽ phải đưa ra xử lý hình sự.
Vụ án này xảy ra trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch, tôi đề nghị cơ quan tư pháp phải xử lý đến cùng và khi xử tội phải có những tình tiết tăng nặng.
- Ngay trong thời điểm dịch bệnh mới bùng phát cũng như giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng nhất, Tổng Bí thư cũng như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhấn mạnh không được để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phòng chống dịch bệnh, nhưng tại sao sai phạm vẫn xảy ra ở hai cán bộ cấp cao này, thưa ông?
+ Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của ta đã tập trung toàn lực để chống dịch Covid-19.
Chúng ta đã có nhiều thành công trong công tác phòng chống dịch, nhất là chiến lược vaccine, nhờ đó cứu được tính mạng cho rất nhiều người dân, ở đây chủ trương của Đảng là rất đúng đắn nhưng trong bối cảnh ấy, vẫn có những cán bộ lãnh đạo bất chấp tất cả, lợi dụng chính sách chống dịch để phạm tội.
Ngay trong đại dịch, trong sinh tử của dân tộc mà còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì tội này là rất lớn và phải xử lý thật nghiêm.
Tôi đề nghị cơ quan tư pháp phải điều tra, làm rõ đến cùng và xử lý công khai, càng công khai, minh bạch, càng rõ ràng tội trạng của hai cán bộ này thì người dân lại càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Đảng ta sẽ ngày càng mạnh hơn.
- Sai phạm của ông Nguyễn Thanh Long chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn (hơn 1 năm) ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, còn ông Chu Ngọc Anh sai phạm từ khi còn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng vẫn được điều động sang làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, điều hành công tác chống dịch của Thủ đô. Phải chăng công tác cán bộ, giám sát cán bộ của ta vẫn còn những lỗ hổng, thưa ông?
+ Theo tôi, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ kinh nghiệm đau đớn của hai cán bộ này cần phải rút ra bài học về công tác cán bộ. Có thể thấy công tác quy hoạch và đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ có chỗ còn chưa ổn.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói "lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo". Chúng ta có một bộ máy ở cấp trên rất lớn nhưng có lúc, có nơi làm chưa tới hoạt động kiểm tra, giám sát quyền lực.
Những cán bộ có sai phạm này không phải "ngày hôm qua vẫn tốt nhưng qua một đêm trở thành người xấu" mà phải có cả một quá trình. Tôi cho rằng nếu chúng ta phát hiện sớm thì chắc chắn sẽ khắc phục được và không để đến mức trầm trọng như hiện nay.
Qua việc này, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước phải rút kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng, bố trí cán bộ và đặc biệt là công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ.
- Ông có thể nói cụ thể hơn những bài học kinh nghiệm về công tác cán bộ cần rút ra?
+ Theo tôi, công tác cán bộ cần có 2 vấn đề phải lưu ý, rút kinh nghiệm. Thứ nhất là lựa chọn, bố trí đánh giá cán bộ, ở đây chúng ta đã làm rất tích cực, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã lọc, lựa rất kỹ nhưng vẫn để xảy ra sai sót, vẫn có những sơ hở. Vấn đề lựa chọn, bố trí cán bộ vẫn có những kẽ hở và phải bịt kín lại.
Thứ hai, đã giao trách nhiệm cho cán bộ thì phải có giám sát kiểm tra, kiểm soát quyền lực. Nguyên lý của chính trị học 5000 năm qua và cả sau này sẽ không thay đổi đó là "quyền lực không được giám sát thì sẽ tha hoá" đó là quy luật, không có ngoại lệ.
Chúng ta giao cho Bộ trưởng nhiều quyền lực như vậy nhưng có thể thấy hệ thống giám sát chưa tương xứng.
Những vụ án xảy ra ở Hà Nội trước đây như vụ của ông Nguyễn Đức Chung, ở TP.HCM như của ông Tất Thành Cang, ở Đà Nẵng như ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến hay vụ việc xảy ra ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đều là minh chứng cho vấn đề giám sát quyền lực cán bộ.
Thông qua vụ việc này, tôi đề nghị các cơ quan của Đảng như Uỷ ban Kiểm tra, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức… cần xem xét, rà soát lại toàn bộ những quy định hiện hành về vấn đề giám sát quyền lực với cán bộ để điều chỉnh, bổ sung.
Vấn đề quan trọng bậc nhất là giám sát quyền lực cần phải được điều chỉnh. Đây là vấn đề cơ bản để hy vọng đẩy lùi tận gốc rễ tha hoá, tham nhũng.
- Trở lại vụ việc của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, ngay sau khi có kết luận về sai phạm, Bộ Chính trị đã triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương bất thường để đưa ra mức xử lý với hai cán bộ này, ông đánh giá ra sao về quyết tâm phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm của Đảng thời gian qua?
+ Vụ việc này cùng một loạt các vụ án được xử lý từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng như vụ án xảy ra ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vụ án ở FLC, Tân Hoàng Minh… đã cho thấy Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII rất mạnh mẽ, theo đúng tinh thần của nó.
Thông qua những phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là phải làm kiên quyết với biện pháp mạnh mẽ hơn, không ngưng nghỉ, không có vùng cấm, có thể thấy tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng Đảng đã được triển khai một cách hết sức nghiêm túc, nói và làm đi cùng nhau.
Ngay cả Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm cũng được đưa ra xử lý rất nhanh, tôi cho rằng việc này đã phản ánh đúng tinh thần kiên quyết của Đảng trong quá trình chống tiêu cực, tham nhũng để làm trong sạch bộ máy, tạo ra sự quan tâm, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng
Thông qua những vụ án này, tâm trạng người dân sẽ càng yên tâm hơn và tin tưởng nhiều hơn vào sự lãnh đạo của Đảng.
- Xin cảm ơn ông!