(Tổ Quốc) - Sản phẩm du lịch khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia địa đạo Kỳ Anh ra đời sẽ góp phần quan trọng vào chuỗi du lịch phía Nam của tỉnh Quảng Nam.
Ngày 9/6, UBND TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) khai trương sản phẩm du lịch Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia Địa đạo Kỳ Anh (ở xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ). Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của thành phố Tam Kỳ hưởng ứng Festival Di sản Quảng Nam lần thứ Vi – 2017.
Khai trương sản phẩm du lịch Khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia địa đạo Kỳ Anh. Ảnh: Đức Hoàng |
Địa đạo Kỳ Anh – đây là tên gọi của hệ thống địa đạo xã Kỳ Anh, nay là xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ; là một trong nhưnxg di tích lịch sử của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cùng với địa đạo Vĩnh Mốc, địa đạo Củ Chi, địa đạo Kỳ Anh ra đời trong bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt nhất.
Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32km, chiều rộng 0,5-0,8m, chiều cao khoảng 0,8-1m, chiều dài các đoạn địa đạo tùy theo địa thế của mỗi thôn, trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp nhằm đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo.
Cửa hầm cây rơm. Ảnh: Đức Hoàng |
Địa đạo hình dạng ô bàn cờ, quanh co uốn khúc, nhiều ngõ ngách, chạy dài men theo các lùm cây, nhiều đoạn được đào xuyên qua nền nhà dân, qua giếng nước, gian bếp trải khắp thôn xóm trong toàn xã.
Gắn liền với địa đạo Kỳ Anh là những kỳ tích lịch sử vẻ vang đi liền những hàng cây, đình làng, giếng nước xã Tam Thăng; trong đó có đình Thạch Tân – là một ngôi đình cổ, gắn với việc khai canh , khai cơ của các bậc tiền nhân; nhà liệt sĩ Phạm Sĩ Thuyết, giếng ông Kỳ ở thôn Vĩnh Bình…
Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ tháng 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Ảnh: Đức Hoàng |
Người dân tham quan ở Hầm cứu thương. Ảnh: Đức Hoàng |
Tính độc đáo, sáng tạo của xã Kỳ Anh lúc bấy giờ là quanh làng nhân dân trồng tre dày đặc kết hợp một trận địa chông, mìn trong khu vực chiến đấu và một hệ thống kênh mương dẫn nước quanh làng, tạo thành một trận địa Làng chiến đấu thuận lợi cho việc ẩn nấp và đánh địch của quân và dân Kỳ Anh.
Di tích địa đạo Kỳ Anh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào năm 1997. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh, thành phố Tam Kỳ đã thực hiện nhiều lần trùng tu, tôn tạo một số hạng mục của địa đạo, đình Thạch Tân cũng như tổ chức tọa đàm về bảo tồn, xây dựng điểm du lịch, khai thác triệt để lợi thế di tích lịch sử cách mạng quốc gia địa đạo Kỳ Anh.
Đức Hoàng