• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại "Ngôi nhà chung"

Văn hoá 20/11/2018 16:55

(Tổ Quốc) - Sáng 20/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào Ba Na đến từ xã Tơ Tung, huyện K'bang, tỉnh Gia Lai đã tái hiện Lễ thổi tai đắc sắc của dân tộc mình.

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 1.

Các thày cúng thực hiện nghi lễ tại sân lễ hội.

Người Ba Na quan niệm rằng trong những giai đoạn nhất định của đời người hay vòng cây cối, cá nhân, cộng đồng, vật nuôi sẽ chịu tác động của những vị thần linh khác nhau. Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Ba Na phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khoẻ. "Lễ thổi tai" được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na. Bà con tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khỏe mạnh, khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng.

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 2.

Các thày cúng thực hiện nghi lễ tại nhà Rông.

Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì bà con tổ chức lễ khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn, và đặt tên cho bé. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên.

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 3.

Các thày cúng thực hiện nghi lễ và cháu Đinh Thị Mai chủ nhân của buổi Lễ thổi tai.

Để tiến hành nghi lễ cúng thổi tai cho em bé, gia đình chuẩn bị một con gà, ghè rượu cần; con trai thì gà trống, con gái thì gà mái. Cây nêu, mẹt, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ ô… Con gà sau khi mổ thịt, chọn ra một vài miếng gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào cái rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để tiến hành lễ thổi tai. Bà đỡ, thầy cúng đến chúc phước, cầu mong sự may mắn; cúng thần hộ mệnh bảo vệ trẻ sơ sinh. Người ta không quên gọi các yang tổ tiên, ông bà; yang đông yang tây, yang rừng rú, suối sông; yang sinh đẻ, bảo vệ loài người… Khi cúng, người ta mang em bé sơ sinh ra bồng bế, vỗ nhẹ vào ngực, vào lưng em và thổi tượng trưng vào tai".

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 4.

Cháu bé được bà đỡ xỏ lỗ tai.

Khấn xong, thầy cúng xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé, và thổi tượng trưng vào tai bé. Thực hiện xong nghi lễ, thầy cúng mời bà đỡ uống trước, sau đến cha mẹ em bé, rồi đến bà con họ hàng, thôn, làng cùng uống vui với gia đình ca hát.

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 5.

Em bé vừa được làm lễ thổi tai.

Sau phần nghi thức tại không gian nhà sàn truyền thống là phần hội với sự giao lưu của đồng bào dân tộc Ba Na cùng đồng bào các dân tộc và du khách cùng uống rượu chung vui, ca hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và cầu chúc em bé sẽ luôn khỏe mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người có ích cho xã hội.

Khám phá lễ hội dân tộc Ba Na tại Ngôi nhà chung - Ảnh 6.

Dân làng vui trong lễ hội.

Đây là một trong những hoạt động đặc sắc trong khuôn khổ các hoạt động Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2018 được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tái hiện Lễ thổi tai là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na tại "Ngôi nhà chung", đồng thời đây là cơ hội để đồng bào Ba Na quảng bá việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách và người dân Thủ đô.

Các thày cúng thực hiện nghi lễ và cháu Đinh Thị Mai chủ nhân của buổi Lễ thổi tai.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ