• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá nơi lưu giữ giá trị lịch sử dân tộc Việt Nam

Văn hoá 24/07/2017 17:24

(Tổ Quốc) -Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính là nơi lưu giữ và trưng bày những di sản văn hóa vật thể quý báu của quốc gia. Đây cũng là nơi giới thiệu lịch sử thông qua những hiện vật quý hiếm, giúp người xem hiểu được lịch sử văn hóa lâu đời cũng như quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được chia thành nhiều không gian cho các tuyến tham quan theo chủ điểm và thứ tự thời gian lịch sử.

Mở đầu là những phòng giới thiệu di tích thời Tiền sử đã tìm được ở nhiều nơi khác nhau trên đất nước Việt Nam, bao gồm các di tích từ Đồ đá cũ cách ngày nay hàng chục vạn năm đến thời đại Đá mới cách ngày nay khoảng 4000 - 5000 năm. 

Nằm ở số 1 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ những hiện vật phản ánh nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 (từ năm 1976 là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Thành lập ngày 3/9/1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng năm 1926 và hoạt động vào năm 1932, công trình là tác phẩm để đời của Charles Batteur - kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được chia thành 2 khuôn viên: khu A của bảo tàng tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội và khu B nằm trên số 25 phố Tông Đản. Nổi bật ở khu A là một tòa nhà được quét vôi vàng, mang phong cách kiến trúc kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa với phần mái cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam truyền thống.

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng rộng khoảng 2000 m² được chia thành nhiều không gian cho các tuyến tham quan theo chủ điểm và thứ tự thời gian lịch sử.

 Bước vào bên trong tòa nhà hình bát giác, một không gian rộng và chiều sâu mở ra trước mắt. Với diện tích trưng bày gần 4.000 m2 và khoảng 10.000 tư liệu hiện vật, hệ thống trưng bày chính của Bảo tàng được thể hiện theo nguyên tắc trưng bày niên biểu, lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn và sự kiện lịch sử với trưng bày sưu tập theo hướng trưng bày mở, bảo tàng giống như một cuốn sử sống của dân tộc Việt Nam. Trong không gian trưng bày tầng 1 là hệ thống các hiện vật chủ đề Việt Nam thời Tiền sử (cách đây 30 - 40 vạn năm) và Việt Nam từ thời dựng nước đến triều Trần.

Gây ấn tượng với người xem khi tham quan tầng 1 của khu A chính là 7 chiếc trống đồng: trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Nông Cống, trống đồng Thành Vinh... xếp quanh một cột trụ lớn có khắc hình chim hạc và người Việt cổ, những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Tiếp đến là không gian trưng bày các hiện vật quý của các công trình tôn giáo thời Trần, gồm những di vật lịch sử thời Trần gồm vật liệu, trang trí kiến trúc và hình ảnh của các khu di tích nổi tiếng như chùa, tháp Phổ Minh (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc)... cho thấy sự khéo léo của người Việt xưa thể hiện qua các công trình văn hóa, tín ngưỡng.  

Phát hiện tại xã Như Trác, huyện Lý Nhân sau được chuyển về thờ tại đình làng Ngọc Lũ, Hà Nam, Trống Ngọc Lũ là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện. 

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội đã trưng bày “Những bảo vật quốc gia Việt Nam” với 18 bảo vật cũng là những hiện vật đứng đầu trong “top" hiện vật quý, hiếm và độc đáo của khối hiện vật đồ sộ gần 20 vạn tài liệu, hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tập.

Cây đèn hình người quỳ là một hiện vật độc bản, đại diện cho nghệ thuật cổ tiêu biểu, độc đáo vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, có sự giao lưu với văn hóa Hán. Cây đèn thể hiện kỹ thuật đúc tài khéo và phản ánh thảm mỹ cảm quan về vũ trụ của cư dân cổ giai đoạn này.

Cũng tại tầng 2 của khu A bảo tàng còn có 2 phòng trưng bày chuyên đề cố định: điêu khắc nghệ thuật đá Chămpa và văn hóa Óc Eo-  Phù Nam. Bộ sưu tập đá Chăm- pa được trình bày trong không gian mở ở hàng lang tầng 2 phòng bát giác nhìn xuống dưới tiền sảnh bảo tàng. Các bộ sưu tập được trình bày theo niên đại, trải dài từ thế kỷ thứ 7 đến 13, với hơn 50 tiêu bản được sưu tầm từ các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định...

Ấn "Sắc mệnh chi bảo" có núm hình rồng cuốn, lưng ấn khắc 2 dòng chữ Hán: "Thập tuế hoàng kim, trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền" được vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền - khoảng 8,3kg và Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo. Ấn được đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh 8, 1827.  Được biết, ấn được dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cùng phong tặng thần và người. Đây là hiện vật độc bản, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn, có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bảo tàng cũng trưng bày bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình.
Đây là tác phẩm “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ chữ Hán do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây (Trung Quốc) giai đoạn 1942 - 1943.

Bản thảo "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012.

Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục giới thiệu đến du khách trong nước và nước ngoài những bộ sưu tập, những phòng triển lãm chuyên đề mới để phục vụ nhu cầu tham quan và tìm hiểu lịch sử Việt Nam của người xem./.

Nhập mô tả ảnh

Nhập mô tả ảnh

Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ