• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Du lịch 24/04/2019 06:27

(Tổ Quốc) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2019 các trung tâm du lịch của cả nước thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có thành phố Phan Thiết (Bình Thuận). Ngoài việc nghỉ dưỡng tắm biển, Phan Thiết còn có rất nhiều điểm hấp dẫn cho du khách.

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh 1.

Sản phẩm du lịch độc đáo

Nếu yêu thích khám phá, bạn có thể tìm hiểu và chọn tour Phan Thiết với các điểm tham quan như: trường Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Bình Thuận, Vạn Thủy Tú, chợ Phan Thiết, Tháp nước, tháp Pô Sah Inư, mộ nguyễn Thông Những ai đam mê sự tuyệt đẹp của biển hãy chọn 2 công viên biển là Đồi Dương và Đá Ông Địa. Đến đây, bạn không những tận hưởng sự êm đêm của đại dương mà còn được dạo bước trên bãi cát mịn màng, giữa những mảng xanh của cây cỏ và cảm nhận sự thân thiện của người dân nơi đây.

Cát ở Phan Thiết còn tạo nên những bức tranh thiên nhiên kỳ thú rất riêng mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng và khám phá. Như thắng cảnh Suối Tiên. Men theo dòng suối nhỏ, dưới sự kiến tạo của thiên nhiên, cát bị mưa gió bào mòn theo thời gian tạo nên những nhũ đá nhấp nhô, hướng thẳng lên trông xa như những tòa lâu đài bằng đá tráng lệ. Gần đây nhất là khu du lịch "Bồng Lai Tiên Cảnh" với những đồi cát tự nhiên nhiều màu sắc đủ sức hấp dẫn và kích thích sự phiêu lưu của con người, hay Công viên tượng cát với hàng chục tác phẩm nghệ thuật độc đáo được nghệ nhân chế tác từ cát Phan Thiết.

Sau khi tham quan các thắng cảnh, khách sẽ có một vài dịch vụ độc đáo để chọn lựa là tắm bùn khoáng tại Sao Mai, massage tại Làng Spa Eco. Hay tham quan và thưởng thức hương vị thơm ngon của rượu vang nổi tiếng thế giới tại Lâu đài rượu vang RĐ, tìm hiểu nghề nước mắm tại Bảo tàng nước nắm. Riêng tại Hàm Tiến - Mũi Né, hàng ngày đều diễn ra các cuộc biểu diễn, thi đấu lướt ván buồm, lướt ván diều, dù lượn…, nên mọi du khách yêu thích hãy đến xem hay tự mình tìm kiếm cảm giác bay bổng cùng sóng gió.

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh 2.

Kết nối tour

Từ Phan Thiết, du khách còn dễ dàng đến với những điểm tham quan hấp dẫn khác của Bình Thuận. Tiêu biểu nhất là điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng. Cách Phan Thiết gần 40 km, thắng cảnh này bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên vốn có là những núi cát trắng phau ôm trọn 2 bàu nước ngọt đầy sắc màu hoa Sen, còn có nhiều dịch vụ giải trí như: mô tô vượt đồi cát, cưỡi đà điểu, bơi thuyền ngắm sen nở. Về phía Nam thành phố lại là dải bờ biển hoang sơ Tiến Thành - Hàm Thuận Nam. Không chỉ sở hữu những bức tranh thiên nhiên kỳ ảo "biển một bên và cát một bên" mà nơi đây có những địa chỉ tham quan du lịch nổi tiếng như làng chài Tiến Thành, bãi đá nhảy Tân Thành, hải đăng Kê Gà, biển Thuận Quý.

Và từ Phan Thiết, du khách có thể lên tàu đi khám phá vẻ đẹp của huyện đảo Phú Quý. Còn gọi là "Cù lao Thu", Phú Quý là quần thể gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ Phú Quý có người cư trú. Nơi đây khí hậu trong lành, biển bao bọc xung quanh, nước trong xanh cùng một thảm thực vật và rạn san hô đa dạng, phong phú. Đảo có nhiều bãi tắm hoang sơ như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang, bãi dọc doi… cùng nhiều danh thắng nổi tiếng như 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh, mộ Thầy Nại, núi Cao Cát với cảnh quan hùng vĩ. Đặc biệt là ẩm thực biển với nhiều loại hải sản đặc trưng rất ngon và bổ dưỡng như cua huỳnh đế, tôm hùm, cá mú...

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh 3.

Ẩm thực miền biển

Một trong những thế mạnh của thành phố biển là thực đơn ẩm thực biển. Tại khu vực trung tâm có các cung đường chuyên về hải sản biển với nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như: Phạm Văn Đồng (bờ kè Bình Hưng), Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, Phạm Ngọc Thạch… với rất nhiều món ngon chế biến từ các loại hải sản cá, tôm, mực, ốc, sò, bạch tuộc thơm ngon và chỉ có tại Phan Thiết!

Ngoài hải sản, Phan Thiết còn có một số món ăn rất riêng khác như bánh xèo (Tuyên Quang), bánh căn (Hải Thượng Lãn Ông), bánh bèo (Ngô Sĩ Liên), chả răng mực (Võ Thị Sáu), lẩu bò (Trần Hưng Đạo), lẩu dê (Nguyễn Tất Thành), mì quảng vịt (Trần Phú), chả lụi (Lê Quý Đôn), bánh canh chả cá (Kim Đồng), bánh mì thịt (Nguyễn Huệ). Hay một vài món ăn điểm tâm khá nổi tiếng như: Phở Bờm (Nguyễn Tất Thành), bún bò Huế (Mậu Thân), bún hải sản (Tuyên Quang), bánh hỏi Phú Long (Trần Phú).

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh 4.

Thưởng thức nghệ thuật

Phục vụ du khách nghỉ lễ năm nay, hầu hết các resort, khách sạn cao cấp hàng đêm đều có các chương trình biểu diễn của các ban nhạc quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau với nhiều dòng nhạc khác nhau. Các đêm nhạc trữ tình Việt Nam theo chủ đề do các bar, cà phê - phòng trà tổ chức như Lâm Kiều, Win, An Nam, Khởi Nghiệp. Thời gian gần đây, Phan Thiết còn xuất hiện nhiều mô hình cà phê "Hát với nhau" chỉ với đàn ghi-ta như Phố Đá, Nội Phủ, GN.

Phan Thiết vốn mang trong mình những nét văn hóa phong phú của các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm. Trong những ngày lễ, tại di tích Tháp Chăm Pô Sah Inư liên tục diễn ra các chương trình nghệ thuật dân gian Chăm từ ca, múa, nhạc cho đến trình tấu các nhạc cụ như trống Paranưng, trống Ghinăng, Kèn Saranai. Hay tại sân khấu quảng trường Nguyễn Tất Thành, sẽ có chương trình nghệ thuật chào mừng 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 diễn ra và tối 29/4. Đặc biệt, một trong những sản phẩm "nghệ thuật" độc đáo của thành phố Phan Thiết du khách không nên bỏ lỡ là Sân khấu nhạc nước với vở kịch Huyền thoại làng chài.

Khám phá Phan Thiết dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 - Ảnh 5.

Và trong suốt chuyến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, nếu cần tư vấn hay hỗ trợ thêm thông tin du lịch, du khách hãy gọi các số điện thoại đường dây nóng của ngành du lịch Bình Thuận là: 02523608.222, 02523810.801. Hy vọng đây sẽ là một "cẩm nang du lịch" nhỏ dành cho du khách khi đến với thành phố du lịch Phan Thiết mùa nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp đến, để cảm nhận đầy đủ về điểm đến hấp dẫn bên biển xanh và sẽ là một kỳ nghỉ tuyệt vời với nhiều kỷ niệm khó quên trong lòng du khách gần, xa.

Tái hiện nhiều lễ hội truyền thống tại "Ngôi nhà chung" dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 01/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ giới thiệu các lễ hội truyền thống và chợ vùng cao với chủ đề "Sắc màu Lai Châu".

Theo đó, từ ngày 27/4 - 01/5/2019, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc; tạo ấn tượng cho du khách đi chợ và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian… Tái hiện không gian trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén chúc tụng chia vui. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La, La Ha, Thái, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú.

Giới thiệu các trò diễn trong lễ hội của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La: Giới thiệu trò diễn trò giả làm con khỉ, diễn cảnh cày bừa, múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, chơi ném còn và đặc biệt là điệu múa Sừng lừng quanh cây nêu thường được thực hiện tại các lễ hội của dân tộc La Ha, có sự giao lưu, tương tác với đồng bào các dân tộc và khách du lịch.

Biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Tái hiện Lễ Pang A (Lễ cầu an) của dân tộc La Ha - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Khi cây măng đắng trong rừng bắt đầu nhú, cây ban chúm chím khoe sắc trên sườn non bà con La Ha bắt đầu tổ chức lễ Pang A để cầu cho mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng đồng thời tỏ lòng cảm tạ tri ân thần linh, các thầy lang đã có công bảo vệ dân bản. Phần lễ tôn nghiêm giàu bản sắc, phần hội sôi nổi, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày, phản ánh lao động sản xuất, ẩn chứa ước nguyện của người dân được phù hộ mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, bản làng ít xảy ra dịch họa, dòng họ phát triển, hạnh phúc. Lễ Pang A được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018.

Tái hiện Tết mừng lúa mới của dân tộc Si La: Theo quan niệm của đồng bào Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự chở che của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất. Đồng bào Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng mà tất cả dòng họ trong bản đều được tổ chức. Sau các nghi lễ cúng mời tổ tiên, các gia đình trong dòng họ sẽ đến dự bữa cơm mừng cơm mới tại nhà trưởng họ.

Tái hiện Lễ hội mùa mưa dân tộc Hà Nhì: Tết mùa mưa là một trong bảy cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì. Tết mùa mưa thường được diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện tín ngưỡng đặc trưng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Người Hà Nhì cho rằng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa thì cần phải tổ chức nghi lễ cúng cầu mưa.

Ngoài ra, giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng cây đu (Gié Khừ Già) của dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu: Để chuẩn bị cho Tết mùa mưa, người ta phải dựng hai cây đi là đu lăng, đu quay và 2 cái bập bênh quay. Theo quan niệm của người Hà Nhì, cái đu lăng vươn cao hàng chục mét với ngọn lá xum xuê thể hiện khát vọng của con người về một sự phát triển tốt đẹp. Còn cái đu quay trông như cái guồng nước to tròn phản ánh mong muốn về sự no đủ.

Sau khi tổ chức lễ cúng mùa mưa tại không gian nhà đồng bào Hà Nhì di chuyển xuống chợ vùng cao cúng cây đu và mở hội. Các điệu múa, tiếng trống và các trò chơi dân gian được mở ra để đồng bào các dân tộc và du khách cùng tham gia trải nghiệm.

Cùng đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Sân khấu lễ hội Làng III với các tiết mục như: Xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan tại Làng.

Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống, trong khuôn khổ 4 ngày sự kiện, Ban Tổ chức bố trí đầy đủ các không gian ẩm thực, đồ uống giải khát, sản vật và đồ lưu niệm phục vụ du khách như không gian ẩm thực ven hồ tại làng III, không gian ẩm thực, không gian sản vật, thủ công, giải khát tại làng III,…để phục vụ du khách.

Nguyên Vũ

NỔI BẬT TRANG CHỦ