• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long

Thực hiện: Đức Thảo | 25/08/2024

(Tổ Quốc) - Phủ đường Ninh Hòa mang kiến trúc truyền thống tiêu biểu của triều đình nhà Nguyễn, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng ở Khánh Hòa.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 1.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa, Phủ đường Ninh Hòa được xây dựng từ năm 1820, là trụ sở hành chính cấp huyện từ thời vua Gia Long, có lối kiến trúc cổ của người Việt. Trong suốt chiều dài lịch sử, tòa nhà là nơi được dùng để thông báo các lệnh chỉ, chỉ dụ của vua quan triều đình cho đội ngũ nha lại ở Phủ.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 2.

Phủ đường Ninh Hòa đang nằm trong khuôn viên UBND TX. Ninh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 33km về phía bắc, chỉ còn lại ngôi nhà chính làm Phủ đường là tương đối nguyên vẹn, các công trình khác đều bị phá hủy do những biến động về lịch sử - xã hội. Hiện nơi đây đang lưu giữ, trưng bày một số hiện vật và tượng mô phỏng cảnh làm việc của tri phủ thời xưa.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 3.

Từ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, Phủ đường Ninh Hòa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 2000. Do tình trạng xuống cấp, ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần tiến hành tu bổ, gần nhất là năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng, giúp gìn giữ nét truyền thống của công trình với kết cấu như cũ, đúng chức năng vốn có của một công đường.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 4.

Phủ đường Ninh Hòa có kiến trúc dạng hình chữ nhật với bốn cạnh là tường hồi bít đốc, mặt tiền quay về hướng đông nam. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái. Riêng phần tường phía trước hiên và phần mái trang trí theo mô típ cấu trúc thành cổ ở cố đô Huế - kiến trúc truyền thống của thời Nguyễn, tạo cho di tích vừa có sự trang nghiêm mang tính chất một công đường, vừa kết cấu kiến trúc hài hòa, giá trị nghệ thuật cao.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 5.

Tòa nhà chính là công đường, được dùng để thông báo các lệnh chỉ, chỉ dụ của vua quan triều đình cho đội ngũ nha lại ở Phủ. Trong đó, gian Đại sảnh là nơi làm việc của Tri phủ; gian bên tả là nơi ở của gia đình Tri phủ và các lính hầu; gian bên hữu là phòng làm việc của viên thư ký Tri phủ, có nhiệm vụ tiếp khách trước khi trình báo Tri phủ và truyền đạt thông tin, lệnh chỉ đạo của Tri phủ,….

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 6.

Ở phần mái, Phủ đường có kết cấu 4 mái gồm 2 mái trước sau và 2 mái hồi, lợp ngói âm dương. Phần trên của diềm mái trang trí những ô trống hình lục lăng, hình tròn, hình quả trám. Đây chính là điểm nhấn trong kiến trúc dân gian cổ của vùng đồng bằng Khánh Hòa hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 7.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 8.

Hệ thống tường bao có 5 cửa vòm xây gạch thẻ, uốn cong phần ngưỡng cửa phía trên theo kiến trúc phương Tây, song song đối xứng nhau. Hai đầu hồi của 2 phòng làm việc tả, hữu có 2 đường bậc cấp lên xuống ở hai đầu, trên có ngưỡng cửa hình vòm.

Nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành sưu tầm, phục chế và phục dựng lại các hiện vật, hình ảnh trưng bày tại Phủ đường Ninh Hòa. Ở gian Đại sảnh, trưng bày một bộ bàn ghế có tượng mô phỏng cảnh quan Tri phủ đang ngồi làm việc, một hòm sách ở bên phải và một ống gỗ đựng roi da bò, roi cá đuối ở bên trái. Trên bàn trưng bày ống đựng bút, nghiên mực, ấn triện, hộp đựng thẻ lệnh.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 10.

Tại vị trí ngồi làm việc của viên tri huyện còn có cặp tàn, lọng che trông rất uy nghiêm. Phía sau tri huyện đặt bộ Bát kích (gồm 10 loại binh khí cổ) và một lính hầu ngồi kéo quạt.

Ở gian bên tả trưng bày một bộ Tràng kỷ, hai tủ kính đựng các hiện vật như trang phục lính xưa, trang phục của tri huyện (gồm khăn đóng, áo the, bộ veston, mũ phớt, cà vạt đen, giày hạ, guốc mộc), bộ gươm giáo (2 gươm, 2 đao), bộ điếu bát gốm sứ, khay khảm xà cừ và bộ ấm chén, một ống bình vôi.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 12.

Cũng tại gian này, còn trưng bày hai tượng composite gồm người lính khiêng võng, một tượng composite người mang lọng và một tượng composite người đang kéo xe.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 13.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 14.

Gian bên hữu là phòng làm việc của viên thư ký Tri phủ, có nhiệm vụ tiếp khách trước khi trình báo Tri phủ và truyền đạt thông tin, lệnh chỉ đạo của Tri phủ…. Nơi đây trưng bày 2 bộ bàn ghế cổ ngồi làm việc và tiếp khách.

Khám phá Phủ đường được xây dựng từ thời Vua Gia Long - Ảnh 15.

Theo ông Nguyễn Khánh Hà, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TX. Ninh Hòa, người dân và du khách muốn tham quan Phủ đường Ninh Hòa cần phải đăng ký trước với đơn vị để được hướng dẫn, bởi di tích hiện đang nằm trong khuôn viên trụ sở UBND TX. Ninh Hòa.

Phủ đường Ninh Hòa có 2 sự kiện lịch sử quan trọng ở Khánh Hòa, góp phần vào chiến thắng chung của đất nước. Đó là sự kiện gần 1.000 quần chúng nhân dân yêu nước ở Ninh Hòa đứng lên biểu tình, ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh vào ngày 16/7/1930; sự kiện Tri phủ Hồ Hưng giao giấy tờ ấn tín và 800 đồng Đông Dương cho đại diện của Việt Minh ngày 17/8/1945.

Sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời Phủ Ninh Hòa đóng tại Phủ đường Ninh Hòa. Là nơi cán bộ cách mạng và nhân dân địa phương đã tập trung về Phủ đường để nghe qua Radio bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Phủ đường Ninh Hòa cũng là địa điểm tổ chức phát động các phong trào yêu nước như: Tuần lễ vàng, Quỹ độc lập, Hũ gạo kháng chiến, Hũ gạo nuôi quân… trong những ngày đầu giành độc lập

NỔI BẬT TRANG CHỦ