(Tổ Quốc) - Tối 27/10, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 (Vietnam Dance Week 2023) do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 được tổ chức nhằm để những nghệ sĩ múa, những nhà biên đạo múa, huấn luyện múa có cơ hội gặp nhau, so tài, giao lưu, gắn kết, tìm ra hướng phát triển và các mô hình hoạt động hiệu quả, nhằm lan tỏa vai trò và vị trí của nghệ thuật múa trong đời sống xã hội hôm nay.
Đồng thời, đây cũng là dịp cho công chúng - những người yêu nghệ thuật múa được tham gia vào một sân chơi chuyên nghiệp, nhằm khám phá vẻ đẹp của chuyển động cơ thể qua sự sáng tạo nghệ thuật; thưởng thức, đánh giá nghệ thuật múa qua các tác phẩm múa được trình diễn trên sân khấu; đồng thời thấy được các góc nhìn khác về nghệ thuật múa qua sách báo, công trình, ấn phẩm và nhiếp ảnh…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam NSND Phạm Ánh Phương cho biết: Với chủ đề "Hội tụ và tỏa sắc tương lai", Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 là bước tiến trên hành trình lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa vào đời sống, góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng xã hội, tạo ra những chương trình, những sân chơi hấp dẫn hơn.
Chương trình được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 19- 21/10 và tại Hà Nội từ ngày 27-29/10 gồm các nội dung chính: cuộc thi múa dân gian các dân tộc Việt Nam dành cho các nhà biên đạo múa chuyên nghiệp trên toàn quốc; liên hoan múa Việt Nam - Quốc tế dành cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật múa trong và ngoài nước; ra mắt và phổ biến "Vũ điệu tay trong tay - Hand in hand", vũ điệu mang tính đại chúng nhằm lan tỏa tới đời sống của nhân dân.
Từ khi phát động đến nay ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của gần 500 thí sinh, trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ... và đặc biệt, trong lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ Múa Việt Nam đã mở rộng đến các đối tượng là các nhà nhiếp ảnh, nhà lý luận phê bình và các nhà báo yêu nghệ thuật múa tham gia dự giải.
"Có thế thấy, độ tuổi các thí sinh tham gia Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 vô cùng phong phú, từ những em thiếu nhi nhỏ tuổi đến lứa tuổi thanh thiếu niên, hay các bậc cao tuổi đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia chương trình. Sự góp mặt với số lượng đông đảo của các em thiếu niên, nhi đồng tại đây đã chứng tỏ tình yêu nhảy múa tiềm tàng trong lực lượng thanh thiếu nhi rất hùng hậu, qua đó cần kịp thời được bồi đắp và quan tâm" - NSND Phạm Ánh Phương nói.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi tại Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 đều đa dạng về đề tài, ý tưởng như: Phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, anh hùng cách mạng, tình yêu gia đình, lứa đôi và những quan hệ xã hội trong đời sống đương đại. Hình thức, thể loại thể hiện tác phẩm cũng rất phong phú với đủ các dòng nghệ thuật: Ballet, neo classic, dân gian, dân tộc, truyền thống, đương đại, hiphop pop dance, jazz...
Đặc biệt, qua kỳ thi này, có rất nhiều hình thức, thể loại nhảy múa mới với nhiều phong cách nghệ thuật khác biệt đang dần lộ diện. Và hơn nữa, thông qua hình thức dự thi trên nền tảng số, việc ứng dụng công nghệ số vào khâu sản xuất, dàn dựng video, clip trong sáng tác, xây dựng tác phẩm múa để tạo ra những hình ảnh sinh động, đẹp mắt tạo hiệu ứng đắc dụng trong khâu quảng bá, lan tỏa nghệ thuật múa đến với công chúng thưởng thức trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.
Tại lễ khai mạc, bên cạnh chương trình thảm đỏ dành cho các nghệ sĩ, diễn viên múa, Hội Nghệ sĩ Múa Việt, ban tổ chức chính thức ra mắt vũ điệu cộng đồng "Tay trong tay" với tham gia của hàng trăm nghệ sĩ múa, biên đạo, diễn viên thuộc nhiều thế hệ. Đây sẽ là điểm khởi đầu cho sự truyền bá, lan tỏa vũ điệu "Tay trong tay" tới đông đảo cộng đồng cư dân trên mọi miền Tổ quốc./.