(Tổ Quốc) -Những đầu lân có họa tiết, trang trí vô cùng cầu kỳ đang được anh Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) và các thành viên trong gia đình gấp rút hoàn thiện để kịp phục vụ khách hàng dịp Tết Trung thu.
Cứ gần đến rằm Trung thu, gia đình anh Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội) lại tất bật làm đầu lân để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng khắp cả nước. |
Anh Tưởng bắt đầu làm đầu lân từ năm 2008. Để hoàn thiện một đầu lân, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, tỷ mỉ. |
Công đoạn đầu tiên là tạo khung đầu lân với nhiều chi tiết phức tạp được làm từ tre, trúc, mây. Khung phải đảm bảo độ lồi lõ nhưng vẫn rõ đường nét để sau khi trang trí vẫn thể hiện được cái hồn của đầu lân. |
Nhiều năm đồng hành cùng chồng, chị Nguyễn Thị Mẫn (28 tuổi, vợ anh Tưởng) thấu hiểu sự vất vả của nghề. Chị đảm nhận việc cắt kim sa, vải làm thân, rồi may vảy, quần cho lân, rồng. |
"Công việc rất vất vả, làm đầu lân cần phải tỉ mẩn, chính xác. Những công đoạn tiếp nối, nếu làm hỏng công đoạn này thì công đoạn sau lại không làm được. Biết là vất vả nhưng đam mê với nghề nên vợ chồng đều cố gắng theo nghề", chị Mẫn chia sẻ. |
Trang trí đầu lân đòi hỏi sự công phu, cắt tỉa từng miếng vải, miếng lông cừu để gắn vào. "Cữ mỗi dịp Trung thu là xưởng làm cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng giao cho khách", anh Dương Trọng Quyết (công nhân của xưởng) cho biết. |
Đầu lân đẹp không chỉ bởi màu sắc, mà hình thù phải toát lên cái hồn và thần thái riêng. Miệng lân tuy dữ nhưng phải tươi, trọng lượng nhẹ, bền chịu được va đập khi biểu diễn. |
Phần lông gắn vào đầu và thân được làm từ da cừu, da thỏ để trang trí phối màu sinh động. Giá của đầu lân khá đa dạng, phổ biến từ 2,5 - 5 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. |
Đầu lân - sư - rồng được khách hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh khác như Cà Mau, Đắk Lắk, Bình Thuận đặt hàng mua từ sớm. Ngoài ra, sản phẩm còn được bán cho khách hàng ở Australia, Malaysia, Ba Lan. |