Nhà hát múa rối trung ương vừa có chuyến lưu diễn kéo dài 45 ngày đi qua 6 thành phố của Pháp để đem đến cho công chúng nơi đây loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.
Chuyến lưu diễn diễn ra trong khuôn khổ Festival nghệ thuật sáng tạo lần thứ 21 do Nhà Văn hóa thế giới của Pháp tổ chức tại 6 thành phố gồm Lyon, Paris, Mougins, Sainte-Maxime, Marne-la-Vallée, và Mulhouse.
Với 6 suất diễn tại mỗi thành phố, đoàn giới thiệu với công chúng Pháp 15 tích trò cổ, nổi bật nhất là các tích trò Tễu, Múa rồng, Múa phượng, Lân tranh cầu, Múa bát tiên, Đánh cá, Cáo bắt vịt...
Phó Giám đốc Nhà hát múa rối trung ương, Nghệ sĩ Nhân dân Vương Tất Lợi cho biết chủ đề của các buổi diễn xuất phát từ cuộc sống thường ngày của người nông dân Việt Nam, từ những câu chuyện cổ tích hay truyền thuyết.
Theo ông Vương Tất Lợi, khán giả Pháp rất yêu thích nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Sau mỗi buổi biểu diễn, khán giả có cơ hội được giao lưu với các nghệ sỹ và chụp hình với các nhân vật rối ngộ nghĩnh. Ở bất kỳ địa điểm biểu diễn nào, các nghệ sỹ rối nước cũng được chào đón nồng nhiệt.
Điều phối chương trình của công viên văn hóa La Villette, nơi đoàn diễn tại thủ đô Paris, bà Gaffagua Benanti tỏ ra rất thán phục sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật rối nước Việt Nam.
Theo bà Benanti, các buổi diễn thu hút công chúng Pháp bởi cách bài trí sân khấu lạ mắt, sự lung linh huyền ảo của nước hồ và tiếng trống, tiếng nhạc dân tộc. Bà Benanti cho biết khán phòng tại đây luôn kín chỗ trong các buổi diễn, đó là điều khẳng định cho sức hấp dẫn của nghệ thuật rối nước truyền thống.
Festival nghệ thuật sáng tạo tại Pháp do Nhà văn hóa thế giới tổ chức hàng năm, với các chủ đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong các lĩnh vực âm nhạc, khiêu vũ, sân khấu. Qua đó công chúng Pháp có cơ hội khám phá sự đa dạng của các nền văn hóa trên thế giới, nhất là các bộ môn nghệ thuật cổ truyền đang có nguy cơ bị mai một.
Thông qua các hoạt động phong phú như các buổi biểu diễn, triển lãm, hội thảo khoa học và các dự án hợp tác xuyên quốc gia, Nhà Văn hóa thế giới đã tích cực đóng góp vào việc nâng cao nhận thức của công chúng về các di sản văn hóa phi vật thể cũng như nguồn gốc của chúng./.
(Theo TTXVN)